Khiêm Cung

0
220

Ở  châu Âu, có một cô gái là nghệ sĩ dương cầm. Cô nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt ở tỉnh nhà và cảm thấy rất hứng chí và hãnh diện khi người hâm mộ mình càng lúc càng đông. Năm ấy cô sang Đức du lịch, dĩ nhiên, Khu Bảo tàng di tích của thiên tài dương cầm Beethoven trong khuôn viên Đại học Bonn là điểm viếng thăm quan trọng.

Đến nơi, tuy hòa với dòng người lũ lượt, cô gái tài năng dương cầm điệu nghệ này vẫn thấy mình khác hẳn với những khách du lịch ‘tầm thường’. Cô muốn đi tách riêng ra một chút nhưng rất tiếc, nhân viên bảo tàng không ai biết cô nên hướng dẫn mọi người đi đúng theo tuyến quy định. Nơi đại sảnh của tòa lâu đài uy nghiêm đặt chiếc dương cầm huyền thoại mà chính thiên tài Beethoven thường sử dụng lúc sinh thời.

Chiếc dương cầm cổ điển, lung linh huyền ảo được đặt trên bục biểu diễn trải nhung rất trang trọng. Lòng khao khát tự thể hiện trỗi dậy, không cưỡng nổi cô gái leo lên bục và những nốt nhạc réo rắt, xao xuyến vang lên. Khách tham quan tụ lại, xuýt xoa khen ngợi. Cô gái sung sướng ra mặt, nói “dạ, em cũng biết chơi chút ít” nhưng trong bụng thì khẳng quyết rằng mình có đầy đủ lý do để hãnh diện và tự hào.

Giữa những tràng pháo tay tán thưởng ồn ào, có một người đàn ông đứng tuổi chỉ im lặng trầm ngâm, hình như ông đã ngồi đó, bên cạnh cây đàn tự bao giờ. Một người phụ nữ trong đám đông chợt phát hiện ra ông: “Ồ, đúng rồi! Paderewski, thiên tài âm nhạc Phần Lan”. Cô gái giật mình, không ngờ do một phút tình cờ mà mình lại gặp được nhân vật nổi danh trong thế giới dương cầm này. Cô đánh bạo hỏi tại sao Paderewski lại không chơi thử một đoạn nhạc.

Người nhạc sĩ dương cầm Phần Lan trả lời: Beethoven là bậc thầy dương cầm đúng nghĩa mà tôi luôn tôn thờ. Đối với tài năng của thầy, tôi là một học trò bé nhỏ, làm sao tôi lại dám đụng vào chiếc đàn thiêng liêng đó.

Chợt nhận ra điều gì, cô gái ngượng ngùng bước xuống.

(Theo Danai Chanchaochai)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Có dịp về quê, đi ngang những đồng lúa, chúng ta nhận thấy rằng những bông lúa no tròn, già chín chừng nào thì càng cúi thấp chừng nấy. “Ưỡn ngực ta đây” thì biết chắc đó là những bông lúa còn non, tệ hơn nữa là những bông lúa lép. Quả vậy, thói hợm hĩnh, kiêu ngạo là dấu hiệu của những tài năng chưa đủ độ chín và tâm hồn non kém.

Thật ra trong cuộc sống, có những lúc khiêm cung dường như là điều khó thực hiện. Là người có nghề, nhiều lần thấy người khác đang quờ quạng, trên trán lấm tấm mồ hôi, hì hục làm đúng ‘nghề của chàng’ khiến chúng ta cảm thấy ‘gai mắt, ngứa miệng’ nghĩ rằng nếu mình ra tay thì một thoáng là xong. Trường hợp này, hãy nghĩ ngay đến một tình thế ngược lại, cụ thể như chúng ta đang loay hoay sửa chữa dàn vi tính ‘dở hơi’. Lúc đó đương nhiên chúng ta phải biết ơn đối với sự ‘ra tay’ của một chuyên gia tin học lành nghề.

Tài năng thường có thuộc tính xã hội, cộng đồng. Ai cũng có ít nhiều thiên phú hay tài năng về một khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, thiên phú hay tài năng của một người phải nhờ vào sự thán phục và ủng hộ của nhiều người khác mà được rèn luyện, nuôi dưỡng và phát triển. Như vậy, tài năng hay những thành tựu do tài năng đem lại luôn mang tính chất tương duyên, một cá nhân không thể tự có được.

Mặt khác, người có trí thì luôn ý thức được những hạn chế, những chỗ yếu kém của chính mình. Vị hành giả thực tu thường xuyên nhận thấy thực tính là không tính, vô ngã tính nên luôn luôn khiêm cung trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Trong đạo lý nhà Phật, biết cúi đầu là thật sự thoát khỏi ngã chấp, giác ngộ tính hư huyễn của các pháp và thực tính vô ngã của chính bản thân mình. Tu tập đạo lý vô ngã hướng đến mục tiêu giải thoát tối hậu bắt đầu bằng thực tập tính khiêm cung. Một khi tính khiêm cung trở nên thuần thục và viên mãn thì hành giả có được niềm vui lớn nhất, sống trọn vẹn nhất trong trạng thái phúc lạc ngay trong kiếp sống này.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here