Hỏi:
Khi có câu thoại đầu thấy mình còn tỉnh, như vậy đúng hay sai?
Đáp:
Có cái biết thì sai, như Thập Địa Bồ Tát có cái biết cũng còn gọi là sở tri ngu, nếu biết chút xíu cũng là cực vi tế sở tri ngu, vì thuộc về sở tri chướng.
– Vậy làm sao mình thoát khỏi những cái biết đó?
– Khỏi cần làm sao, chỉ giữ niệm không biết. Tổ Sư thiền là dùng niệm không biết để tu. Hỏi câu thoại kích thích lên niệm không biết, khán là nhìn niệm không biết, giữ niệm không biết gọi là nghi tình. Khán chỗ không biết thì không có chỗ, khán không thấy cái gì.
– Khi nổi lên nghi tình thì mình đã biết là sao?
– Bây giờ mới tập tham, tập tham một thời gian lâu không có mục tiêu để nhìn, vì có năng nhìn mà không có sở nhìn, sở nhìn đã mất thì năng nhìn cũng phải mất. Nếu năng sở đều mất thì sẽ đến thoại đầu.
– Khi mình khởi câu thoại đầu mà nhìn nó thì mình nhìn câu thoại đầu, vậy là sao?
– Vì cô còn muốn giữ cái năng biết, như bài kệ của Ngài Vĩnh Gia là “dùng cái biết để biết tịch lặng thì không được” và “dùng cái biết để biết mình có cái biết, tức là không có tịch lặng để làm đối đãi sở biết, nhưng có năng biết vẫn không được”. Có sở biết như tay cầm đồ vật, không có sở biết như tay tự làm nắm tay, tức là không có cảnh để làm tương đối, nhưng tự cho ta có cái biết thì so cái biết tịch lặng cao hơn một bước.
Nếu không cầm vật bên ngoài và không tự làm nắm tay, không phải là không tay. Như không biết tịch lặng và không tự mình có cái biết, không phải là không biết. Đây là cái biết của bản lai diện mục.
Đến thoại đầu là đến chỗ nguồn gốc ý thức, nên cần phải lìa ý thức mới gọi là kiến tánh thành Phật. Cho nên, có một chút xíu biết gọi là cực vi tế sở tri ngu, nên vẫn còn chướng ngại.