Im hơi lặng tiếng có phải là tu hành nhẫn nhục ?

0
178

Nhẫn nhục là độ thứ ba trong “sáu độ”. Độ nghĩa là vượt qua biển khổ phiền não, mà độ nhẫn nhục rõ ràng cũng có nghĩa là im hơi lặng tiếng. Ví dụ kinh “Di giáo” nói “Người thực hành đạo đức nhẫn nhục mới là bậc đại nhân có sức mạnh. Nếu không thể tiếp nhận cái “độc” bị nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí tuệ”. “Du già sự địa luận” quyển 57 cũng nói “Như thế nào gọi là nhẫn nhục ?”. Đó là :

1 – Không tức giận

2 – Không oán trách

3 – Không chứa chấp điều ác

“Đại Trí Độ Luận” quyển 6 cũng nói “Chúng sinh làm điều ác tâm không tức giận, chúng sinh cung kính cúng dường, tâm không hoan hỉ. Đó là “trung nhẫn” vì chúng sinh. Quyển 15 trong sách trên cũng nói : “Nhẫn đối với chúng sinh cung kính cúng dường mình, đối với những kẻ gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đối với mình, đó gọi là “sinh nhẫn”. Chịu nhẫn nhục tôn kính cúng dường, cách gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đó là “pháp nhẫn”. “Ưu-bà-tắc giới kinh” quyển 7 cũng chỉ rõ : “Nhẫn có hai loại : một là nhẫn xuất thế gian là chịu được đói khát, lạnh nóng, khổ vui. Thứ hai là nhẫn thế gian, là nhẫn tín, giới, thí, nghe, trí tuệ, chính kiến không lầm, nhẫn Phật, Pháp, Tăng, nhẫn được chửi mắng, đánh đập, ác khẩu, việc ác, tham, sân, si, nhẫn được đều khó nhẫn, thí những điều khó thí”.

Từ nội dung kinh luận đã dẫn trên đây có thể thấy hàm nghĩa của hai chữ nhẫn nhục rất rộng, cự tuyệt mọi niềm vui, chịu được và tiếp nhận các nỗi khổ. Bị nhục mạ một cách vô lý là điều mà con người bình thường không thể chịu nỗi. Từ chối không để gái đẹp ngã vào lòng mình là điều mà con người bình thường không thể làm được. Tin và tiếp thu các loại pháp môn trong Phật Pháp càng không phải là điều mà con người bình thường có thể làm được. Nói chung, nếu những việc có liên quan đến danh dự thiết thân, đến những người thân thuộc, nam nữ thì khó mà chịu đựng. Phật Pháp không chỉ nhẫn vì cá nhân mà cả vì chúng sinh nữa. Khi đã đạt tới trình độ không tranh cãi nữa thì tám ngọn gió thổi không đổ được nữa. Đó là tám hiện tượng lợi ích, sa sút, hủy diệt, khen, ca ngợi, nói xấu, khổ, lạc không có cảnh giới nào mà không nhẫn nhục được. Vì vậy những Bồ Tát đã giải thoát được gọi là đã chứng được “vô sinh pháp nhẫn”. Đối với mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý của lục tình thì không chấp trước, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của lục trần bên ngoài thì không chịu ảnh hưởng, đó gọi là pháp nhẫn. Nếu bị bức hại mà không giận, được cúng dường mà không mừng, đã không có cái ngã năng thọ, lại không khiến cái ngã tiếp thu cái khác. Đạt tới như vậy thì gọi là sinh nhẫn, đó không những là cảnh giới của Bồ Tát mà cũng là mục đích của việc tu hành Phật Pháp.

Chịu nhẫn nhục là có thể yên mình, yên người, hòa đồng với chúng sinh, cho nên nhẫn nhục là tiêu chuẩn tốt nhất để xây dựng hòa bình an vui giữa con người với nhau.

Căn cứ vào tiêu chuẩn như vậy thì hình như nhẫn nhục chính là im hơi lặng tiếng. Tất cả những việc oan uổng, lăng nhục, phỉ báng, đả kích, đều phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cần phải chú ý là nếu sự nhẫn nhục không xuất phát từ trí tuệ thì rất có khả năng gây nên tai họa lớn hơn, do đó thông qua sự soi chiếu của trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Ví dụ nói : sự tập kích bất ngờ của gió, mưa, nước, lửa là điều không thể chống nỗi, nhưng vẫn có thể tìm cách phòng tránh để giảm bớt thiệt hại. Nghiệp báo là phải tiếp nhận một cách thẳng thắn, nhưng vẫn có thể qua cố gắng thay đổi mức độ và phương thức của nghiệp báo.

Cho nên, đối với sự vật mà hai bên đều không có hại lại có ích thì phải tiếp thu. Nếu có ích cho người khác, không có ích cho mình thì phải suy nghĩ để tiếp thu. Nếu đối với hai bên đều có hại mà không có ích thì phải tìm cách tránh hoặc thay đổi nói. Ví dụ biết rõ ràng đối phương là voi say, chó dại, người điên, trông thấy người cắn, gặp người là giết, thì đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn, vì đối phương đã bất hạnh nhất thiết đừng để cho họ gây nhiều bất hạnh hơn nữa. Nhưng cũng không được có tâm báo thù “lấy máu trả máu”, nên dựa vào nguyên tắc từ bi, bản thân mình luôn luôn phải tự kiểm và biết hổ thẹn, sám hối. Đối với những người mất lý tính thì phải thông qua phương thức và phương pháp như kiềm chế, giáo hóa, làm cho họ có thể trở lại bình thường. Điều đó có công đức lớn đối với bản thân họ và toàn thể xã hội, cho đến tất cả chúng sinh