HỆ PHÁI KHẤT SĨ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

0
311

Trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, kiến trúc cơ sở Phật giáo thuộc hệ phái Khất sĩ có nét đặc trưng, độc đáo, mang tính cách riêng. Những cơ sở thờ tự của hệ phái Khất sĩ đều được gọi là Tịnh xá.

Tịnh xá được xây dựng theo quy cách đã được quy định trong bộ Kinh Chơn Lý. Bất cứ tịnh xá nào cũng được kiến trúc theo hình bát giác (8 cạnh, tượng trưng Bát chính đạo). Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía. Trong Tịnh xá có tháp thờ pháp của chư Phật quá khứ. Tháp phải 13 tầng, “vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sanh tiến lên từ nấc” (Kinh Chơn lý, PL. 2515, tr. 144). Tháp phải mở trống 4 cửa (số 4 tượng trưng cho Tứ diệu đế). Nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp cao 3 mét, chân tháp rộng, vuông, cạnh 1,8 mét. Tịnh xá cũng có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông 16 mét. Có nhà độ cơm nghỉ mát, ngang 8 mét, dài 16 mét. Ba ngôi: tịnh xá, nhà giảng thuyết pháp, nhà độ cơm nghỉ mát được gọi chung là nhà Tam bảo.

Khuôn viên cũng có nhà thờ riêng cho cư gia, ngang 4 mét, dài 8 mét. Phía trước bên trái tịnh xá còn có nhà thiện nam, bên mặt có nhà tín nữ. Phía sau, bên mặt có cốc nghỉ chân cho ni lưu, bên trái có cốc của tăng, có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối, cây cáo, bóng mát, gió thanh… xa nhà bá tánh trăm thước… Mặt tiền Tam bảo hướng về phía tây. Chung quanh có hàng rào cao 2 mét. Theo quy định, sáng 7 giờ mở cửa tịnh xá và chiều 5 giờ đóng lại cho các sư tu tịnh. Trong tịnh xá thuộc hệ phái Khất sĩ, do quan niệm thờ phụng cần đơn giả, thanh tịnh nên trong tháp 13 tầng, duy nhất chỉ có tượng Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngoài ra còn có bàn thờ dành cho Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập hệ phái Khất sĩ. Trong tịnh xá cũng có bàn thờ chung, gọi lạ bàn Hội đồng, của Cửu Huyền Thất Tổ, để Phật tử đưa hình ảnh ông bà cha mẹ đã quá cố vào đặt thờ. Do quan niệm tất cả Phật tử đều cùng có chung một họ Phật, từ thờ tự một người đến thờ phụng cả họ, để có thể đến với sự thờ phụng chung cho cả chúng sinh.

Kinh chủ yếu của hệ phái Khất sĩ là bộ kinh Chơn lý, một tập hợp gồm 70 quyển được in thành hai tập trọn bộ, dày 948 trang. Đây là những bài giảng của Tổ sư Minh Đăng Quang, trên tinh thần dung hợp hai hệ phái Bắc tông và Nam tông. Kinh đề cập đến quan niệm về vũ trụ, giáo lý Phật giáo, cách sống tu của người Khất sĩ, cách thờ phụng, các bài kinh Tam bảo, kệ tụng sám hối, kệ cầu nguyện hòa bình…

Chân dung Tổ sư Minh Đăng Quang

Ni sư Huỳnh Liên cũng biên soạn một số kinh như Kinh Di giáo, Từ Bi kinh, Kinh Vô ngã tướng, Kinh Pháp cú… Những bài kinh này được tập hợp lại thành quyển Tinh Hoa bí yếu (Kinh chọn lọc). Ngoài ra ni sư cũng biên soạn Kinh Tam Bảo Kinh Xưng tụng Tam Bảo.