Thiền sư Ryokan[88] đã hiến trọn đời mình cho việc tu thiền. Một hôm, ngài nghe tin đứa cháu trai của mình đã bất chấp mọi lời khuyên giải của họ hàng thân tộc, đang tiêu phí tiền bạc với một cô kỹ nữ. Vì đứa cháu trai này là người thay thế cương vị của ngài Ryokan trong gia tộc để quản lý tài sản gia đình, và số tài sản này đang có nguy cơ tiêu tan hết nên những người trong gia tộc liền đề nghị ngài Ryokan phải làm điều gì đó để cứu vãn.
Ngài Ryokan vượt qua một đoạn đường xa để đến thăm đứa cháu. Đã nhiều năm rồi hai người không gặp nhau. Người cháu tỏ ra vui mừng được gặp lại chú và mời ngài nghỉ lại qua đêm.
Thiền sư ngồi thiền suốt cả đêm. Sáng hôm sau, khi sắp chia tay ngài nói với chàng trai trẻ: “Ta hẳn đã già lắm rồi nên đôi tay run rẩy quá. Cháu có thể giúp ta buộc lại dây giày được không?”
Người cháu vui vẻ giúp ngài buộc dây giày. Xong, ngài Ryokan nói: “Cảm ơn cháu. Cháu thấy không, mỗi ngày trôi qua tất cả chúng ta đều trở nên già yếu hơn. Cháu hãy cố mà chăm sóc tốt cho bản thânmình.”
Rồi ngài ra đi, không nói gì đến chuyện người kỹ nữ cũng như những lời phàn nàn của mọi người trong gia tộc. Nhưng kể từ buổi sáng hôm đó, người cháu trai chấm dứt sự hoang phí.
Viết sau khi dịch
Sự diễn đạt không cần lời là sự diễn đạt sâu xa nhất, ý nghĩa nhất. Một cử chỉ yêu thương chân thật nói lên được nhiều hơn so với mọi sự diễn đạt bằng ngôn từ. Bởi vì sự diễn đạt không bằng lời là sự gợi mở tâm thức đối phương, khiến họ phải suy xét dựa trên những nền tảng quan điểm và nhận thức của chính họ, và điều đó dẫn đến một sự chuyển hóa sâu xa, toàn diện mà không tạo ra bất kỳ một sự đề kháng nào.
Trong hầu hết mọi trường hợp, điều chúng ta muốn khuyên người khác thường là những điều họ đã biết, thậm chí biết quá nhiều. Cho nên, vấn đề không phải là lặp lại những gì người ấy đã biết, mà phải làm thế nào để chính họ chịu suy nghĩ về điều đó. Ngài Ryokan đã làm như thế. Và ngài đã thành công.
Nguồn:thuvienhoasen.org