Lời dẫn: Mỗi ngày đọc báo hay xem truyền hình, chúng ta thường thấy báo đưa tin những bọn lừa đảo dùng tiền giả để gạt mọi người mua đồ dùng thật; hoặc có những kẻ háo sắc thừa tiền cặp bồ với các em chân dài; hoặc có kẻ thừa cơ hội nhảy vào kiếm chác v.v… Những chuyện này làm cho bọn chúng thân bại danh liệt, ở đâu cũng có.
Chúng tôi xin kể một câu chuyện thời hiện đại rất lý thú. Có một thanh niên ở vùng nông thôn bị sâu ăn răng nên hắn ra thành phố tìm bác sĩ nha khoa để nhổ răng. Hắn hỏi:
– Bác sĩ ơi! Tôi nhổ một cái răng trả bao nhiêu tiền?
Bác sĩ đáp:
– Anh nhổ một cái năm trăm đồng, nhưng nhổ hai cái thì tám trăm.
Hắn nghĩ mỗi lần đi ra thành phố rất khó, nếu nhổ một cái thì tốn thời gian đi và tiền bạc; chi bằng nhổ luôn hai cái lại được rẻ hơn, khỏi đi lần nữa lại tiết kiệm. Vì thế, hắn nhổ luôn hai cái răng; vốn bị sâu ăn có một cái, vì ham rẻ mà hắn nhổ hai cái. Hắn là người thông minh hay ngu si, rẻ hay là mắc?
Trong kinh Phật cũng có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay.
Thuở xưa có một nông dân sinh ra bảy đứa con, không may chết một đứa nên hắn đặt tử thi đứa bé ở trong nhà. Vì tử thi này nên hắn cảm thấy làm việc gì cũng bất tiện nên hắn bảo mọi người trong nhà: “Chúng ta dọn đi nơi khác ở nhé! Để không còn thấy tử thi, khỏi đau lòng, lại không sợ hãi tránh được bất tiện”. Người hàng xóm thấy hắn muốn dọn nhà nên hỏi:
– Vì sao anh muốn dọn nhà đi?
Hắn đáp:
– Vì trong nhà có đặt tử thi làm cho cả nhà vừa sợ vừa đau lòng, nên tôi phải dọn nhà.
– Tại sao anh không đem tử thi chôn đi.
Hắn nghe người hàng xóm nói như người tỉnh mộng. Đúng rồi! Vì sao ta không đem con đi chôn? Nhưng làm cách nào để đem thi thể này ra ngoài? Hắn ta suy nghĩ hồi lâu thì ngay lúc đó có người gánh đồ đi ngang qua. Hắn liền nghĩ nói: “Nếu như ta gánh con giống như người này thì chẳng phải rất tiện hay sao?”. Do đó, hắn giết thêm một đứa con nữa, rồi gánh ra ngoài chôn luôn. Thế gian có chuyện hoang đường như thế này không nhỉ?
Bài học đạo lý
Ý nghĩa câu chuyện nói lên thế gian có rất nhiều kẻ thô lỗ, chỉ tham của rẻ một chút trước mắt mà đánh mất tương lai tốt đẹp-tham cái nhỏ mất cái lớn. Hoặc có người tham tiền của, đắm sắc đẹp mà thân bại danh liệt-lỡ bước một phen thành mối hận nghìn đời. Hoặc có người lỡ một niệm sai lầm mà gây ác nghiệp rất lớn, tạo thành sự việc muôn kiếp không thể làm được thân người. Ví như một người học Phật, cho dù anh ta tu hành như thế nào, nhưng việc đầu tiên phải giữ năm giới thanh tịnh; nếu như anh ta không cẩn thận phạm một giới thì phải mau sám hối; niệm Phật, lạy Phật thật nhiều để tiêu trừ tội nghiệp. Nhưng phần đông mọi người đều che dấu, không muốn người khác biết. Nếu như họ muốn sám hối thì họ cho rằng chi bằng phạm giới vài lầm rồi sám hối luôn. Há không tiện lợi nhiều hay sao? Điều này giống như giết con thành gánh nào có khác gì?
Người chưa gặp nghịch cảnh, chưa gặp tai nạn nên không biết nỗi đau khổ của cuộc đời, cũng không biết giác ngộ. Người gặp nghịch cảnh, gặp tai nạn, hoặc từng nếm mùi đau khổ của cuộc đời, mới nghĩ đến tu hành tiêu trừ nghiệp chướng. Lại có người vẫn tham đắm năm dục ở thế gian-tài, sắc, danh, thực, thùy, họ muốn hưởng hạnh phúc sung sướng ở thế gian vài năm, rồi tu hành cũng không muộn; một năm trôi qua rồi một năm nữa đến, họ muốn tu hành nhưng sợ cực khổ, muốn hưởng cuộc sống sung sướng, nhưng lại mong đắc đạo nhanh chóng hay cảm ứng, cầu trời quan tâm đặc biệt, lại muốn có bí quyết nào tu tập không tốn nhiều thời gian mà được nhiều công đức. Cho nên, tà sư ngoại đạo lợi dụng nhược điểm của họ, phao tin đồn nhảm: “Trời ban chân đạo”, “mật truyền bài vè”v.v…dụ dỗ dân chúng. Thật ra, bọn chúng dắt mọi người đi theo tà, khác nào câu chuyện giết con thành gánh?