Giả Làm Trang Nghiêm

0
143

Lời dẫn: Thế gian có chính nhân quân tử, có kẻ tiểu nhân, kẻ giả tài giỏi. Người trung hậu ngay thẳng như đi trên con đường rộng lớn bằng phẳng, không có gai nhọn và sỏi đá, cũng không bị nguy hiểm rình rập các loài rắn độc, trùng độc cắn tổn thương. Nhưng vì sao mọi người đường lớn không chịu đi mà lại đi vào đường hẹp quanh co khúc khủy? Đây chính là trong tâm có liên quan đến ma.

Thuở xưa, người dân Ấn Độ đa số đều tin theo bà-la-môn giáo. Bọn tăng lữ của bà-la-môn giáo được mọi người cúng dường đầy đủ, nên về sau họ dần dần lười biếng tu hành, sống bừa bãi. Có rất nhiều người không giữ quy củ của đạo, làm ô uế tăng lữ. Có người hình dáng tu hành nhưng không trang nghiêm. Có người sống tùy tiện vô kỷ luật. Có người y phục rách rưới và dơ bẩn, giống như dòng dõi thấp hèn. Bà-la-môn vốn là dòng dõi cao sang quý tộc. Như thế, có khác gì dòng dõi thấp hèn.

Nhà vua nghe được tin này, liền truyền lịnh: “Tất cả tăng lữ của bà-la-môn giáo phải tinh tiến học đạo tu hành, phải trang nghiêm thanh tịnh; nếu không thì trở về thế tục, để họ sống theo dòng họ thấp hèn”. Nhà vua vừa ban lịnh, bọn chúng khẩn trương thực hành. Những kẻ ăn mặc rách rưới thì mặc y phục mới. Kẻ sống dơ bẩn thì lo đi tắm rửa sạch sẽ. Kẻ lười biếng lo tinh tiến tu hành. Nhưng thói quen lâu ngày khó sửa, bọn chúng làm theo mệnh lịnh bề ngoài, bên trong vẫn lén lút sống dơ bẩn, vô kỉ luật.

Có tên oán trách nhà vua nói: “Nhà vua không lo việc lớn, lại đi lo ba chuyện lặt vặt của chúng ta. Chúng ta sống dơ hay sạch liên gì đến vua chứ; làm sao vua có thể mỗi ngày theo giám sát sự sinh hoạt của chúng ta?”. Do đó, bọn chúng vẫn sống vô kỉ luật và dơ bẩn như cũ.

Mỗi khi đi ra ngoài, hoặc ở trước mọi người, bọn chúng giả làm ra vẻ trang nghiêm, đĩnh đạc, nhưng bên trong thì ngược lại. Bọn chúng vốn là thầy tôn giáo phải trang nghiêm thanh tịnh, phải làm mẫu mực cho mọi người, làm tấm gương ở thế gian. Nhưng có người chỉ vì cuộc sống, vì sự cúng dường của mọi người mà bọn chúng giả tạo bề ngoài. Thật sự là dối mình lừa người.

Bài học đạo lý

Thế gian có rất nhiều tôn giáo, cũng có rất nhiều thầy tôn giáo làm nghề tôn giáo. Có người tinh tiến tu hành theo tôn giáo. Có người vì phục vụ cho xã hội; hoặc phục vụ tôn giáo mà theo tôn giáo. Có người vì hoằng pháp lợi sinh, thay trời giáo hóa mà theo tôn giáo. Có người khuyến khích nhân dân tu tâm, làm việc thiện, cứu người, cứu đời mà phục vụ tôn giáo. Có người vì cuộc sống, vì kiếm tiền, đem tôn giáo ra làm kinh doanh, làm xí nghiệp. Có người vì danh lợi, vì tham cúng dường mà đem tôn giáo làm nguồn kiếm tiền, làm hàng hóa mua bán. Vì thế, nhân cách của bậc thầy tôn giáo có khác nhau một trời một vực.

Có người vì tham của cúng dường mà dối thần gạt quỉ, dựa vào quỉ thần để lừa gạt lấy tiền của, chiếm gái đẹp, mượn lịnh của trời để lường gạt dân chúng, vì danh lợi mà bọn chúng không từ thủ đoạn giở trò lừa bịp. Có những kẻ giả thánh, giả thần, giả tiên, giả Phật làm cho mọi người lễ lạy cúng dường. Đây có phải nhiệm vụ của thầy tôn giáo không?

Thầy tôn giáo khuyên mọi người làm việc, phát tâm tu hành, làm bậc mẫu mực, làm gương cho mọi người; đó là tôn kính thần thánh. Nhưng ma lực tài sắc, danh lợi rất lớn, thầy tôn giáo cũng không thoát khỏi bàn tay của chúng. Cho nên, tôn giáo không thanh tịnh, cũng không biết vị thầy tôn giáo đó thật sự có đức hạnh không.

Tục Ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta thân cận thiện tri thức là tu học chính tri, chính kiến, tinh tiến tu hành. Nếu như chúng ta thân cận tà sư là học tà tri, tà kiến, tu mù bậy bạ. Như thế, tốn tiền oan uổng, việc nhỏ mà uổng phí tinh thần, tương lai cùng vào tà đạo, mới là oan uổng rất lớn. Ở đời, bất luận sĩ, nông, công, thương; mỗi người làm mỗi nghề, không có người giả quân tử.

Những người sợ trời, sợ thần, sợ quỉ là người có lương tâm. Người sợ nhân quả, sợ báo ứng là người có căn lành. Những kẻ trời không sợ, đất không ngán, không sợ quỉ thần; ngoại trừ anh hùng có một không hai, là người hết thuốc chữa. Người theo Phật pháp mà không sợ nhân quả, là ma quỉ trong Phật giáo. Trong thần giáo mà giả thần, làm quỉ là tội nhân trong tôn giáo.

Phật giáo giống như con sư tử, nó vừa cất tiếng rống cả trăm loài thú đều sợ hãi. Phật pháp hoằng dương ở đời thu phục nhiều tôn giáo; nhưng chỉ sợ ma vương trong giáo pháp. Phật pháp không sợ ngoại đạo xâm chiếm chỉ sợ những kẻ phá giới trong giáo pháp, càng sợ những kẻ giả làm bậc gương mẫu; giống như trùng trong thân con sư tử, những kẻ giả làm trang nghiêm, nhưng không có đức hạnh; đó là trùng trong thân con sư tử ở trong giáo pháp. Thật đáng sợ thay! Những kẻ bề ngoài là Phật giáo, nhưng bên trong hành tà tri, tà kiến; đây chính là ma vương thật sự trong Phật pháp.