Hạnh Huệ
Đại sư Cầu Na Bạt Ma, tức Công Đức Khải. Sau khi xuất gia, ngài tinh tấn tu trì, nghiên cứu kinh điển, do sự thông minh dĩnh ngộ, thiên tư hơn người lại thêm nỗ lực nghiên cứu học hỏi.
Nhân đó, trí tuệ mở sáng, tinh thông mọi sách vở. Hơn nữa đạo hạnh cao thâm, có thể nói là một vị Đại sư hành trì gồm đủ, rất được mọi người từ triều đình đến dân dã đều kính trọng.
Đại sư Cầu Na Bạt Ma vốn dòng Sát lợi, mẹ ngài chẳng hề tin tưởng Phật pháp mà lại ưa ăn thịt.
Cầu Na Bạt Ma khuyên mẹ ăn chay, nhưng luôn luôn bị cự tuyệt. Có một lần, người mẹ đòi Đại sư Cầu Na Bạt Ma phải sửa soạn cơm thịt. Đại sư thưa:
– Thưa mẹ! Mẹ ăn chay nhen! Hễ là động vật có sinh mạng, đều sợ hãi chết chóc, tâm muốn sống, người và thú đều giống nhau, nếu như muốn no bụng mà giết hại sinh mạng của chúng, há chẳng phải không có lòng nhân từ sao?
Người mẹ nghe xong, phừng phừng nổi giận nói:
– Người cứ việc làm, nếu như có tội, ta sẽ chịu tội thay cho!
Đại sư Cầu Na Bạt Ma làm thinh. Qua mấy ngày, Đại sư nấu một chảo dầu sôi, chuẩn bị nhúng ngón tay mình vào. Ngài xin mẹ rằng:
– Mẹ ơi! Con sắp đốt ngón tay, xin mẹ chịu đau thay con!
Người mẹ nghe xong bảo:
– Đau trên thân con, ta làm sao chịu thế được?
Đại sư Cầu Na Bạt Ma nói:
– Cái đau đốt tay trước mắt, còn chẳng thể thay thế, hà huống cái khổ trong tam đồ mai sau, lại làm sao có thể thay thế được?
Người mẹ nghe rồi, hổ thẹn cùng cực, bèn hết lòng sám hối. Từ đây đến trọn đời chẳng những không sát sanh mà còn thường phóng sanh.
—o0o—
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Thích Sơ Xâm nói: Đời thường nói “Xuất gia vô gia”, trên sự thực việc người xuất gia hóa độ song thân đâu đâu cũng có.
Kinh Bất Úy Tư Nghì Quang nói: “Chuyện cơm ăn và của báu, chưa đủ để báo ơn cha mẹ, hướng dẫn cho cha mẹ hướng về Chánh pháp mới là báo ơn song thân”.
Có thể thấy hướng dẫn cha mẹ chính tín Phật pháp, quy hướng nhân từ, mới là đạo làm con.
Như Đại sư Cầu Na Bạt Ma, vì độ mẹ không sát sanh mà hành nhân từ, chẳng tiếc dùng dầu sôi đốt ngón tay. Sự dụng tâm lương khổ của ngài, đủ khiến người kính phục.