Dính mắc tức là vướng bận. Dính mắc níu chân chinh nhân trên đường giải thoát. Nhưng dính mắc cũng là không xa lìa. Dính mắc hàm chứa yêu thương. Vậy, dính mắc tốt hay xấu?
Dính mắc từ đâu đến?
Mỗi người hiện diện trên thế gian đều có sứ mạng riêng. Vì loài người sống cộng sinh nên các sứ mạng của họ không rời rạc mà xâu kết lại thành chuỗi phụng sự chính họ. Ở nơi đó, họ dính mắc.
Có nhiều lý do để dính mắc. Dính mắc không chỉ vì những điểm tương đồng như sự đồng cảm, sở thích, lối sống, phong cách, khuynh hướng… mà còn vì những điểm dị biệt bổ sung nhau, điểm mạnh của người này hỗ trợ, bù đắp cho điểm yếu của người kia, để mà … dính mắc!
Dính mắc cũng có thể đến vì sự hợp ý trong tác nghiệp. Những người cùng chí hướng, động cơ, mục đích, phối hợp hành động ăn ý… sẽ dính mắc chặt chẽ hơn!
Mối quan hệ có lẽ là nguồn dính mắc đa dạng hơn cả. Từ quan hệ quyến thuộc vốn không thể lựa chọn đến các mối quan hệ xã hội như giữa tín đồ và tu sĩ, giữa thầy và trò, giữa các bạn đồng liêu, đồng nghiệp, đồng hương, giữa người của công chúng và người hâm mộ… như mối nhân duyên đẩy đưa con người cần nhau rồi dính mắc!
Dính mắc – có nên chăng?
Dính mắc song hành cùng trách nhiệm với tha nhân. Trách nhiệm tạo động cơ sống vị tha. Ở mức độ này, dính mắc là tích cực. Nhưng khi tâm không biết đủ, dính mắc trở nên tiêu cực.
Từ sự ngưỡng mộ trong một thời khắc gặp gỡ qua một hoạt động cụ thể, ta sẽ “chuẩn hóa” toàn diện mục tiêu” rồi tìm cách tiếp cận. Thậm chí chuyển đổi mối quan hệ từ… bán thời gian thành toàn thời gian! Lúc này, sự dính mắc đã được nâng lên một tầm cao mới!
Sự đam mê hay lý tưởng có thể bị nhạt phai bởi sự dao động, thậm chí lịch sinh hoạt hằng ngày cũng bị xáo trộn. Khi cảm xúc phù du trôi qua, sự hối tiếc sẽ kéo đến. Hoặc bùng nổ đòi tự do hoặc ngấm ngầm chịu đựng theo kiểu“bỏ thì thương, vương thì khổ”. Dạng nào cũng khổ. Dính mắc là khổ!
Hy sinh gây tổn thất cho một số người và làm nặng gánh tri ân cho một số người thọ nhận. Hy sinh chỉ có giá trị nhất thời trong hoàn cảnh mang tính lịch sử. Hy sinh không đem lại an lạc bền vững. Nếu hy sinh là dính mắc trả – vay, thì dính mắc này khổ đau triền miên đấy!
Dính mắc – trung đạo
Nếu ta gọi ràng buộc tích cực là dính mắc có giới hạn thì đây chính là mức độ trung đạo trong các mối quan hệ. Những thay đổi về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất. Thiết nghĩ thái độ trung đạo trong dính mắc sẽ giúp ta phòng tránh được ít nhất hai loại khổ, đó là: “ái biệt ly” và “cầu bất đắc”cùng các hệ lụy tiềm ẩn khác nữa…
Diệu Hiền