Điều Hòa

0
132

Ajahn Chah

Ba điểm căn bản thực hành là Thu Thúc Lục Căn (nghĩa là không chìm đắm và dính mắc trong dục lạc ngũ trần), Ăn Uống Tiết Độ và Tỉnh Thức.

1. Thu Thúc Lục Căn: Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một cơ thể bất bình thường: mù, điếc, vẹo, v. v., nhưng rất khó khăn nhận ra một tâm hồn bất thường. Khi bắt đầu hành thiền, bạn sẽ thấy mọi sự khác hẳn. Bạn sẽ thấy một tâm hồn “méo mó” mà trước đây bạn thấy có vẻ bình thường. Bạn sẽ thấy nguy hiểm ở nơi mà trước đây bạn không thấy. Điều này giúp bạn thu thúc. Bạn trở nên nhạy cảm, như người đi vào rừng sâu ý thức được mối nguy hiểm của thú dữ, rắn độc, gai nhọn, v. v. Người có vết thương mới, rất thận trọng trước sự nguy hiểm của ruồi và muỗi độc. Cũng vậy, đối với người hành thiền, mối nguy hiểm phát xuất từ các đối tượng của giác quan (lục trần). Bởi thế, thu thúc lục căn là loại đức hạnh cao nhất.

2. Tiết Độ Ăn Uống: Ăn chay thì dễ, nhưng ăn ít và tiết độ như một thiền sinh thì thật khó khăn. Thay vì ăn chay thường xuyên, hãy học cách ăn trong chánh niệm. Ý thức được nhu cầu thực sự của mình; học cách phân biệt giữa muốn và cần.

Đào luyện cơ thể không phải là tự hành hạ mình. Không ngủ, không ăn đôi lúc có vẻ cực đoan, nhưng nó có giá trị của nó. Bạn phải thực sự muốn chống lại sự biếng nhác và phiền não. Khuấy động chúng lên và quan sát chúng. Một khi hiểu được chúng thì những sự thực hành có vẻ cực đoan trên sẽ không cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ăn, ngủ, nói ít lại — nhằm đè nén tâm luyến ái và khiến chúng tự lộ diện.

3. Tỉnh Thức: Muốn có chánh niệm thì phải có nỗ lực liên tục, chứ không phải chỉ siêng năng một lúc rồi thôi. Dầu bạn hành thiền suốt đêm, nhưng những lúc khác bạn để cho lười biếng ngự trị thì cũng không phải là hành thiền đúng. Phải luôn luôn quan sát, theo dõi tâm như cha mẹ theo dõi con cái, bảo vệ chúng không để chúng làm bậy, dạy cho chúng biết điều đúng.

Thật là sai lầm khi nghĩ rằng có đôi lúc bạn không có cơ hội để hành thiền. Bạn phải luôn luôn nỗ lực để hiểu chính mình, điều này cũng cần thiết như sự hô hấp của bạn, bạn phải tiếp tục thở bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Nếu bạn không thích một vài hoạt động nào đó, như tụng kinh hay làm việc chẳng hạn, và bạn đã vất bỏ chúng để hành thiền, như thế thì bạn chẳng bao giờ được Tỉnh thức.

Theo: Mặt Hồ Tĩnh Lặng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here