HỎI: Trong mùa xuân này, tôi đến một số nơi và thấy nhiều mẫu tượng Phật Di Lặc khác nhau. Tượng Di Lặc đứng hoặc ngồi bụng no tròn, nét mặt sáng ngời, vui vẻ. Tượng Ngài cũng như thế nhưng thêm chi tiết đứng trên một cái bao lớn, lưng đeo “bầu rượu”, giữa bụng có chữ Phước.
Loại tượng Di Lặc khác thì có thêm hai tay nâng thỏi vàng lên cao, hoặc tay cầm xâu tiền đồng, hoặc vai gánh trái đào, nón đeo sau lưng, đứng trên bao lớn v.v… Tôi hỏi thì hầu hết mọi người nói đó là tượng Phật Di Lặc. Tuy nhiên, khi tôi hỏi những người bán đồ thờ cúng ở quận 5 (TP.HCM) thì được cho biết đó là tượng ông thần Tài. Hiện tôi rất băn khoăn để phân biệt đâu là tượng thần Tài và đâu là tượng Phật Di Lặc, mong quý Báo hoan hỷ trợ duyên. (HUỲNH VIẾT TẤN, Ngô Quyền, P.8, Q.10, TP.HCM)
ĐÁP: Bạn Huỳnh Viết Tấn thân mến!
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng (Nguồn gốc thờ thần Tài) thì tục thờ thần Tài có từ lâu đời và phổ biến trong các cộng đồng người Hoa. Trước hết, Thổ Địa là một trong những vị thần Tài. Do nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên thần Đất cũng là thần Tài. Mặt khác, thần Đất có công năng là thần Tài do thuyết ngũ hành tương sinh: Thổ sinh kim.
Tượng Di Lặc nâng thoi vàng một biến thể
không đúng với quy chuẩn đồ tượng học Phật giáo
Ngoài thần Đất được thờ tự để cầu tài, người Hoa còn thờ nhiều thần Tài khác. Phổ biến và tôn quý nhất là Tài Bạch tinh quân. Đây là vị thần thường thờ tự tôn kính ở các đền miếu, đặc biệt phổ biến là các cơ sở thờ tự thuộc nhóm phương tộc Triều Châu. Tài Bạch tinh quân gồm 5 vị thần, chủ bộ Tài lộc thiên giới, do Triệu Nguyên soái hay Triệu Công Minh đứng đầu.
Trên trời có Tài Bạch tinh quân, dưới đất cũng có thần Tài âm phủ. Hình tướng vị thần Tài này giống một phán quan, đen thui, trên đầu đội mũ ống cao, có dòng chữ “Nhất kiến phát tài”. Ngoài ra còn có thần Tài Phạm Lãi (trung thần của Việt Vương Câu Tiễn), thần Tài Lưu Hải (Tể tướng triều Lương), thần Tài Hòa Hợp nhị tiên, thần Tài Quan Công v.v…
Người Việt là cư dân “dĩ nông vi bản” nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, thần Đất và thần Tài ở xứ ta vẫn chưa khu biệt rõ. Trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “thần Đất, thần giữ tiền bạc” và đến tận bây giờ, thần Tài và Thổ Địa vẫn cứ được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân ly ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia… Và điều đáng chú ý là, hình tượng vị thần Tài của người Việt, xét về mặt đồ tượng học, là một biến thể của Thổ Địa Phước đức chính thần của người Hoa.
Tượng Tài Bạch tinh quân
Qua những cứ liệu trên, chúng ta thấy rõ rằng, dù có nhiều vị thần Tài khác nhau được tôn thờ trong dân gian nhưng hình tượng của chư vị thần Tài ấy hoàn toàn khác với tôn tượng của Bồ tát Di Lặc (Bố Đại Hòa thượng) của Phật giáo với nét đặc trưng là hình dáng vị Tăng có chiếc bụng lớn, miệng cười hoan hỷ, tay cầm túi đãy lớn, thường có trẻ nhỏ đeo bám xung quanh…
Như thế, tượng Ngài Di Lặc nâng thoi vàng hiện nay là một biến thể do dân gian sáng tạo ra, gán ghép cho Ngài chứ không theo quy chuẩn đồ tượng học Phật giáo. Và tất nhiên, không thể gọi Ngài Di Lặc là thần Tài được. Ngài là Bồ tát chứ không phải thánh thần, dù rằng Ngài được tin tưởng và sùng kính là vị Bồ tát luôn ban tặng niềm vui, hỷ xả, sức khỏe và phúc lộc.
Theo quan niệm của thuật Phong thủy phương Đông, tượng Di Lặc, thoi vàng, bình vàng bạc,… được xếp vào Tài thần dùng để chiêu tài, bày biện tại gia trạch hoặc cửa hiệu để tăng thêm phúc lộc, hóa sát, thu tài. Vì thế, việc gán ghép vàng thỏi, tiền xâu lên tôn tượng Di Lặc là một sự khiên cưỡng, khập khiễng và vô hình trung “thế tục hóa” Ngài, dù điều ấy chỉ thể hiện lòng mong mỏi chân thành được phúc lộc, thịnh phát.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn