Lời dẫn: Làm người, có người lương thiện, cũng có kẻ hung dữ, có người nhân từ đức hạnh, cũng có kẻ gian trá, nham hiểm; chỉ có sai khác một niệm thiện và ác. Cổ đức dạy: “Người đời ai mà không lỗi, biết sửa lỗi là Thánh hiền”. Người không chịu sửa lỗi hướng thiện thì tương lai mãi mãi trong tăm tối, cũng là nghiệp nhân thiếu điều thiện. Mỗi người nên có đức hạnh tốt, khiêm tốn sửa lỗi lầm thì trong tâm được trong sáng. Nếu như cố chấp gian trá thì giống như nhà không có cửa, không khí trong lành chẳng vào được, cũng không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, trở thành căn nhà tối tăm u ám, người ta không thể ở được lâu dài.
Xưa kia có một anh nông dân, quanh năm cần cù cày bừa, gieo trồng lúa mè. Có một năm, hắn trồng mè thu hoạch trúng mùa. Mặc dù, hắn được mùa nhưng không biết cách làm mè như thế nào ăn cho ngon. Một hôm hắn nghĩ: “Gạo dùng nước nấu chín để ăn, mè có dùng nước nấu không nhỉ?” Do đó, hắn đi hỏi thăm mọi người. Có người bảo: “Anh đem mè rang thì ăn mới thơm ngon”.
Hắn làm theo lời người này chỉ dẫn, rang mè xong, hắn ăn liền, vừa thơm vừa ngon. Vì thế, hắn lại suy nghĩ: “Mè rang ăn thơm ngon như thế. Xưa nay, ta trồng thứ gì thì mọc lên thứ đó, ta nên đem mè rang gieo xuống đất, nhất định sẽ thu hoạch mè thơm ngon, lại bán được giá cao. Lẽ nào không được giàu to?”.
Vì thế, hắn đem toàn bộ số mè ra rang để làm giống, rồi hắn ra sức cày đất, nhổ sạch cỏ, gieo mè xuống. Hàng ngày, hắn cần cù làm việc tưới nước, bón phân, làm cỏ. Từ đó, mỗi ngày hắn luôn trông đợi mè nảy mầm lớn nhanh. Nhưng vài tháng trôi qua, cỏ dại mọc lan tràn um tùm, chẳng thấy mè mọc lên. Hắn mới biết cách nghĩ của mình là sai lầm.
Bài học đạo lý
Câu chuyện này chứng minh cho những người học Phật, phát tâm tu hành đạo Bồ-tát, mong muốn chứng đắc quả Phật Vô Thượng. Xưa nay, Bồ-tát phải độ khắp chúng sinh, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn và tích lũy công đức mới là chính nhân thành Phật. Nhưng có người thích cuộc sống sung sướng an nhàn, đem danh lợi thế gian làm việc tu hành. Hàng ngày, họ tiếp xúc phan duyên theo cư sĩ mà không dạy cư sĩ tinh tiến tu hành. Chúng ta không trồng hạt giống Phật pháp thì làm sao có chính nhân Bồ-đề?
Cổ đức dạy: “Không có trời sinh Di-lặc, hay tự nhiên có Thích-ca”. Đức Phật Di-lặc, Phật Thích-ca, cho đến ba đời tất cả chư Phật trong mười phương, đều phải nhiều kiếp tu hành, chẳng phải trên trời rơi xuống. Vì thế, chúng ta học Phật nỗ lực tu hành một phần là thành tựu định tuệ một phần; làm lợi ích chúng sinh một phần là thành tựu công đức một phần. Chúng ta đã tin Phật, học Phật thì nỗ lực tinh tiến tu hành, độ khắp chúng sinh. Nếu chỉ mang danh học Phật mà chúng ta không chịu tinh tiến tu hành, chẳng những không được thành tựu chính quả, mà e rằng sẽ bị đọa lạc lún sâu thì khác nào hạt giống đem rang?
Bậc Cổ đức dạy: “Việc đời khó hay là dễ? Người quyết chí làm việc thì việc khó trở thành dễ, người không chịu làm việc thì việc dễ trở thành khó”. Vì vậy, mọi việc ở thế gian chỉ cần chúng ta nỗ lực thì không có việc gì khó. Lại nói: “Việc đáng buồn nhất là tư tưởng ngu dốt, không có cảm giác”. Hay “Nghèo vật chất đừng nghèo ý chí”. Người tâm vô cảm, không có chí cầu tiến thì làm việc gì cũng không được thành tựu. Kẻ không có chí hướng thượng, e rằng làm việc nhỏ cũng không xong. Có người cho rằng giàu sang ở thế gian là công lao sự nghiệp của tổ tiên để lại, hoàn cảnh, học vấn, tri thức là chỗ dựa vững chắc. Chúng tôi cho rằng chỗ dựa vững chắc tốt nhất là ý chí. Người không có ý chí thì mãi mãi là người nghèo. Xưa nay, những người thành công sự nghiệp, phần đông đều dựa vào ý chí và nỗ lực. Người không có ý chí và nỗ lực thì cũng là hạt giống đem rang phải không các bạn?