Cư sĩ có thể nhận quà tặng của nhà chùa không?

0
226

Theo giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì người nào lấy của cải do thập phương cúng dường đem dùng riêng hoặc đem tặng cho cư sĩ đều là “phạm tội thâu đạo” (ăn trộm). Vì đó là của cải do thập phương cúng dường, đã trở thành của cải của tất cả chúng Tăng, là của công, nếu chiếm dụng riêng của công, hoặc đem cho cư sĩ thì sẽ phạm tội rất nặng. Nếu với tâm ô nhiễm, tặng quà vật cho cư sĩ thì mình sẽ phạm tội “làm ô nhiễm người khác”.

Có hai trường hợp, cư sĩ có thể nhận quà của nhà chùa. Một là nghèo túng, bệnh tật cấp bách nên tiếp nhận sự bố thí, cứu tế của nhà chùa. Có hai loại cứu tế, một là bằng tiền của vật chất, hai là bằng tinh thần và Phật pháp. Tất nhiên đã tiếp nhận sự cứu tế bằng Phật pháp thì cũng có thể nhận sự cứu tế bằng vật chất. Sau khi được cứu tế mà tai qua nạn khỏi thì người được cứu tế sẽ ra sức cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ người khác.

Trường hợp thứ hai là trường hợp công tác cho nhà chùa và có thù lao để sống. Những người phát tâm công tác cho nhà chùa, tu viện, không tiện đem thực phẩm đến nấu ăn ở nhà chùa thì tất nhiên nhà chùa phải lo liệu việc ăn ngủ cho họ. Các bậc đại đức ngày xưa ở Trung Quốc đã từng căn dặn : Đối với những người làm việc cho nhà chùa, phải đảm bảo cho họ ăn uống tử tế, và trả tiền công khá cao. Thông thường chế độ sinh hoạt ở nhà chùa kham khổ, người làm công có thể vì không quen, mà sinh ra bực bội, sinh giận. Nếu chùa có vật phẩm thừa, lại không thể đem đổi lấy tiền được, cũng không biết đem cho ai, thì cư sĩ tại gia nên hoan hỉ tiếp nhận, để tránh lãng phí.

Chế độ sinh hoạt tại chùa ở Trung Quốc và Ấn Độ khác nhau. Chùa Ấn Độ không có bếp nấu, chùa Trung Quốc cũng như chùa Triều Tiên, chùa Nhật đều có dự trữ lương thực và có bếp tự nấu ăn. Đặc biệt trong thời gian có hội chùa, cư sĩ cũng ở lại ăn cơm tại chùa. Đó là chuyện rất phổ biến ở Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên. Kinh phí ăn uống đều do tín đồ đóng góp.