Con Ngựa Bất Kham – Mảnh Chai Trong Chân – Gốc Cây – Thức Ăn Tráng Miệng – Quả Xoài Ngọt – Quả Đu Đủ Ngọt

0
159

Ajahn Chah

Con Ngựa Bất Kham

Tâm giống như một con ngựa bất kham, rất khó huấn luyện. Bạn phải làm gì khi bạn có một con ngựa chứng như vậy? Hãy cho nó nhịn đói một lát, nó sẽ đến gần bạn hơn. Khi nó đã biết nghe lời bạn hãy cho nó ăn một chút. Chúng ta phải huấn luyện tâm như vậy. Với chánh tinh tấn, chúng ta có thể đạt được trí tuệ.

MẢNH CHAI TRONG CHÂN

Đức Phật dạy chúng ta phải dùng trí tuệ để làm phương tiện thoát ra khỏi sự đau khổ. Chẳng hạn bạn bị một cái mảnh chai găm vào chân. Thỉnh thoảng khi bạn bước lên vật gì cứng thì vật cứng ép vào mảnh chai khiến mảnh chai đâm sâu vào chân bạn làm cho bạn nhức nhối. Bạn bèn sờ nắn khắp chân nhưng chẳng tìm ra gì cả. Bạn nhún vai rồi tiếp tục đi. Nhưng sau đó khi đạp nhằm vật cứng nữa và bạn lại đau trở lại. Điều đó xảy ra nhiều lần, vậy cái gì làm cho bạn đau ở đây? Nguyên nhân là cái mảnh chai nằm trong chân bạn. Mỗi khi chân đau, bạn lại lấy tay sờ nắn quanh đó, nhưng bạn chẳng tìm thấy gì nên bạn bỏ qua. Cứ bị đau mãi như vậy, khiến bạn có ý muốn lấy miếng mảnh chai ra. Cương quyết lấy nó ra bởi vì nó làm bạn đau. Sự tinh tấn trong việc hành thiền cũng giống như vậy. Bất kỳ chỗ nào đau, chỗ nào khó chịu, thì bạn phải quán sát và truy tầm. Chúng ta phải đương đầu với vấn đề, chứ không phải chỉ nhún vai là đủ, nghĩa là phải lấy cái mảnh chai ra khỏi chân bạn. Chỗ nào tâm bạn bị bế tắc, bạn phải ghi nhận. Khi nhìn vào bên trong nó, bạn sẽ hiểu nó, thấy rõ nó và chứng nghiệm được bản chất của nó.

GỐC CÂY

Bạn phải tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn của sự vật. Chẳng hạn bạn đang đi và vấp phải một gốc cây nhỏ. Bạn bèn lấy dao chặt nó đi, nhưng nó lại mọc trở lại và bạn lại dẫm lên gốc cây ấy lần nữa. Bạn lại tiếp tục chặt và gốc cây lại tiếp tục mọc lên. Cách tốt nhứt là bạn phải kiếm một cái xe kéo để bứng tận gốc nó lên. Nhưng bạn phải làm ngay, đừng lần lữa hẹn nay, hẹn mai. Điều đó giống như bạn nhủ thầm “Hôm nay ta nên đi chăng? Có nên đi không? Hay để ngày mai hãy đi”. Qua đến ngày mai, bạn lại tự hỏi “Có nên đi hay là không đi?” Và bạn cứ tiếp tục tự hẹn ngày này qua ngày khác mà chẳng đi đâu cả cho đến ngày bạn.

THỨC ĂN TRÁNG MIỆNG

Thực hành là trực tiếp quan sát tâm. Đó chính là trí tuệ. Khi bạn đã xem xét và hiểu biết tâm mình thì bạn sẽ có đủ trí tuệ để hạn chế sự định tâm, cũng như có đủ trí tuệ để bớt lệ thuộc vào sách vở. Nếu bạn đã thực hành thuần thục và không còn dính mắc, lệ thuộc vào bất cứ cái gì, lúc bấy giờ bạn hãy trở về với sách vở. Sách vở lúc bấy giờ cũng giống như đồ ăn tráng miệng, chúng giúp bạn chỉ dẫn kẻ khác. Hoặc bạn cũng có thể trở về với thiền vắng lặng, vì bây giờ bạn đã có trí tuệ là không dính mắc vào bất cứ cái gì.

QUẢ XOÀI NGỌT

Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn chứ không phải trong rừng. Đừng nghe ai mà hãy lắng nghe tâm mình. Bạn chẳng cần phải đi nơi nào để tìm kiếm giáo pháp. Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn, cũng giống như trái xoài ngọt đã nằm sẵn trong trái xoài xanh.

QUẢ ĐU ĐỦ NGỌT

Nếu biết sử dụng phiền não một cách khôn khéo thì sẽ mang lại nhiều ích lợi. Cũng giống như dùng phân gà và phân trâu để bón cho cây đu đủ. Phân thì thật dơ dáy, nhưng khi cây trổ quả thì trái đu đủ thật ngon ngọt. Bất cứ lúc nào phiền não xuất hiện, như sự nghi ngờ chẳng hạn, thì hãy nhìn vào nó, quán sát, theo dõi ngay tại đó. Điều này sẽ giúp cho sự thực hành của bạn phát triển và kết trái ngon ngọt.

Theo: Chỉ  là một cội cây thôi

Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Trần Minh Tài

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here