Có phải tất cả những vết thương trên thân thể đều do nghiệp báo chiêu cảm mà ra?

0
221

Hỏi:   Có phải tất cả những vết thương trên thân thể đều do nghiệp báo chiêu cảm mà ra?  Mỗi lúc con phát tâm niệm Phật hoặc niệm Phật được nhiếp tâm thì chướng ngại xảy ra rất nhiều.  Bạn đồng tu dạy con phải nên đem công đức hồi hướng cho họ trước nhưng con sợ làm không được tốt thì [những gì mình hồi hướng] đều thành ra chi phiếu không lãnh được, sợ rắc rối sau này còn nhiều thêm.  Xin hỏi phải nên làm thế nào?

 Ðáp:   Không hẳn là tất cả vết thương đều chiêu cảm từ nghiệp báo mà ra, ngoại thương có lúc do chúng ta không chú ý gây ra.  Thí dụ như lúc đi chơi dã ngoại bị côn trùng cắn hoặc gai đâm bị thương, đó là do đi đường không coi chừng, chưa chắc là nhân quả báo ứng.  Từ xưa Trung quốc coi trọng hiếu đạo, tất cả những tập quán sanh hoạt của mình phải cẩn thận để ý, không nên để thân thể bị thương rồi làm cho cha mẹ lo lắng, điều này rất đúng.

          Còn về nghiệp chướng mỗi người [chúng ta] đều có rất nhiều oan gia chủ nợ, vì không phải gây ra trong kiếp này mà thôi, những gì gây ra từ kiếp trước đều quên hết; tuy chúng ta quên rồi nhưng đối phương không quên cho nên việc này rất phiền phức.  Phương pháp Phật dạy rất hay, chúng ta tu hành không phải vì mình, vì mình thì là tự tư tự lợi, oan gia chủ nợ sẽ đến gây phiền phức.  Nếu bạn tu hành cho tất cả chúng sanh, trong đó bao gồm oan gia chủ nợ, oan nghiệp tức khắc có thể dẹp trừ hết.

          Tất cả hành vi đều vì chúng sanh, đoạn ác tu thiện không phải vì mình, phá mê khai ngộ đều không phải vì mình, thành Phật cũng không phải vì mình, cho đến sự sanh hoạt, ăn cơm, uống nước đều cũng không phải vì mình, ăn cơm uống nước là  mình phải lợi dụng thân thể này để phục vụ cho tất cả chúng sanh.  Chỉ cần có tâm này tức là đã ‘hồi hướng’, được như vậy thì hiệu quả sẽ rất rõ ràng.  Nói một cách khác, chi phiếu ‘không đầu’ thì vẫn là tự tư ích kỷ.  Tất cả đều vì chúng sanh mà không vì cá nhân mình, đó là tâm hồi hướng, đó là giải oan và tháo mở gút mắc, được như vậy sẽ không viết chi phiếu không lãnh được tiền.

          Cho nên chúng ta phải mở rộng tâm lượng giống chư Phật Bồ Tát vậy; ‘tâm bao thái hư, lượng châu sa giới’ (tâm bao trùm hư không, lượng biến khắp thế giới), tâm lượng lớn thì phước lớn, tâm lượng nhỏ thì phước báo sẽ nhỏ, phải hiểu đạo lý này