Có nên tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã không?

0
396

Hỏi: Trong lúc thảo luận, nói chuyện về việc tụng kinh, có một bà bạn nói với con: Tụng kinh gì cũng được, nhưng đừng có tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Con hỏi tại sao? Bà ta không giải đáp được. Vậy xin hỏi lý do tại sao như vậy?

Đáp: Đây là một huyền thoại đã có từ lâu. Huyền thoại nầy không biết xuất phát từ đâu và thời nào. Một huyền thoại vô căn cứ, không lý lẽ, người không hiểu cứ thế mà nói chuyền nhau, gây ra lắm điều tai hại.

Trường hợp như bà Phật tử kia, chỉ nói như thế mà không biết lý do vì sao. Vì truyền thuyết cho rằng, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã gia đình sẽ xào xáo lộn xộn, bất an, vườn tượt khô héo, mọi việc đều xui xẻo không may. Thử hỏi Kinh Kim Cang Bát Nhã do ai nói? Hẳn ai cũng biết kinh nầy là do Phật nói. Đã do Phật nói, thì tại sao người tụng đọc kinh nầy lại bị những hiện tượng bất an nói trên? Nói như thế, chả lẽ Phật lại lường gạt gài bẫy chúng sanh hay sao? Nếu có ác tâm như thế, thì sao gọi là Phật? Những ai bịa đặt nói thế, nếu không phải là có ác ý qua hệ tư tưởng thâm sâu của kinh nầy, thì quả thật họ không hiểu gì về diệu lý thâm ý của kinh cả. Nếu vì không hiểu, thì nên tìm hiểu. Bằng chưa hiểu thì không nên nói càn nói bướng như thế. Kẻ nói như thế khác nào hù dọa người ta, thật là tội lỗi!

Toàn bộ hệ thống kinh Bát Nhã gồm có sáu trăm quyển, mà kinh Kim Cang Bát Nhã chỉ là kết tinh của toàn bộ 600 quyển đó thôi. Đây là một hệ tư tưởng siêu việt, nhằm phá vỡ tất cả mọi vọng chấp của chúng sanh. “Phá vọng hiển chơn” là mục đích chính của kinh nầy. Một hệ tư tưởng cao siêu như thế, mà họ dám cho rằng người tụng đọc kinh nầy thì gia đình lại bị xáo trộn bất an.

Vì trong phạm vi trả lời câu hỏi, nên ở đây, chúng tôi không muốn luận giải đi sâu vào thâm ý của kinh. Chúng tôi chỉ xin trả lời một cách ngắn gọn vắn tắt và dứt khoát rằng: “Nội dung toàn Kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật chỉ nhắm vào một mục đích duy nhất là phá chấp bốn tướng: “Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả”. Nói gọn hơn là phá hai thứ vọng chấp mà tất cả chúng sanh chấp chặt nặng nhứt, đó là Ngã chấp và Pháp chấp”. Người nào không còn hai thứ vọng chấp nầy, thì họ sẽ đạt được cứu cánh giải thoát, tức đồng với Phật quả vậy.

Ý kinh thậm thâm vi diệu như thế, nhưng tiếc vì người ta không hiểu, nên mới có vọng truyền sai lầm như vậy. Than ôi! Quả thật họ là kẻ mù lòa đi trong đêm tối! Thật là đáng thương xót biết bao! Người Phật tử không nên tin tưởng một điều gì mà không được sự kiểm chứng của trí huệ. Phải vận dụng trí huệ soi sáng cho thật cặn kẽ vấn đề trước khi đặt định niềm tin. Có thế, mới không bị sai lầm và niềm tin của chúng ta mới thật sự là chánh tín.