CÔ MAI MỸ HẠNH CHIA SẺ VỚI KHÓA SINH NHÂN NGÀY TU HỌC THỨ HAI

0
692

Thế là ngày đầu tiên của khóa tu mùa hè đã khép lại, nhường ngày tu thứ 2 đến với các khóa sinh. Sau thời gian giao lưu hoạt động vui nhộn cùng BTC, 6h30, các em khóa sinh có khoảng thời gian ăn sáng và sinh hoạt tự do.

9h, tất cả khóa sinh được chia làm hai chúng. Chúng nhỏ tập trung trên Chánh điện, chúng lớn tập trung tại giảng đường, cùng nhau lắng nghe bài chia sẻ của cô Mai Mỹ Hạnh, Giảng viên trường ĐHSP. TP.HCM vơi tiêu đề: “ Căn bệnh và vô cảm và lòng tự tin”.

Trước đó, cô Mỹ Hạnh đã liệt kê cho các em biết những căn bệnh mà các em thường mắc phải, nhất là trong thời đai xã hội hôm nay, như bệnh nghiện facebook, bệnh nghiệm game, có cả căn bệnh bạo lực học đường…tất cả là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh “Vô Cảm”

bai-hoc-chia-se (2)

bai-hoc-chia-se (4)

bai-hoc-chia-se (6)

bai-hoc-chia-se (9)

bai-hoc-chia-se (10)

bai-hoc-chia-se (11)

bai-hoc-chia-se (13)

bai-hoc-chia-se (15)

bai-hoc-chia-se (16)

bai-hoc-chia-se (18)

bai-hoc-chia-se (19)

bai-hoc-chia-se (22)

Buổi học cùng cô Mai Mỹ Hạnh

Qua buổi học, các em khóa sinh được biết “Bệnh vô cảm” như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội và rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ “vi rút” nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.

Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại làm nảy sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà quên mất “cái ta”. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… là những cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với không ít người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỉ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.

“Bệnh vô cảm” có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là sự thờ ơ trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh hay thản nhiên trước một câu chuyện buồn trong sách báo hoặc trên phim ảnh. Nhưng đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những đau thương, mất mát của đồng loại như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân của thiên tai bão lụt… Trái tim của những kẻ mắc ‘bệnh vô cảm” không hề băn khoăn, rung động trước những gì liên quan tới lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng lời mắng nhiếc, nhục mạ của họ sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng một đứa trẻ bất hạnh như thế nào. Một ánh mắt dửng dưng, khỉnh bỉ của họ trước một người khuyết tật sẽ làm tăng thêm mặc cảm và nỗi buồn khó nguôi ngoai.

“Bệnh vô cảm” còn biểu hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy tới mình. Ở trường, ở lớp, “bệnh vô cảm” thể hiện qua thái độ thiếu quan tâm đối với các bạn yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Vô cảm còn thể hiện trong cung cách ứng xử lạnh nhạt, thiếu hòa đồng với bạn bè và người thân. Điều đó dẫn tới sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ và ngày càng đẩy kẻ mắc “bệnh vô cảm” vào tình trạng cô độc, héo hắt về mặt tinh thần. Cuộc sống nhạt nhẽo của họ thực ra chỉ là sự tồn tại vô nghĩa mà thôi.

Tuy không gây chết người như nhiều bệnh lí khác nhưng “bệnh vô cảm” cũng dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Nó ảnh hưởng xấu tới quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Một người khó có thể làm việc đạt chất lượng khi không giữ mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với đồng nghiệp. Cũng như một học sinh nếu hằng ngày đến lớp chỉ biết chỗ ngồi của mình mà thờ ơ với bạn bè, trường lớp thì cũng khó mà học tốt vì không được sưởi ấm bởi niềm vui và tình cảm chân thành của thầy cô, bè bạn.

Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị “bệnh vô cảm”? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Chúng ta hãy sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái. … Chỉ cần có một tâm hồn cởi mở và một trái tim nhân hậu, biết thương người như thể thương thân là bạn sẽ chữa dứt được “Bệnh vô cảm” đáng ghét và đáng phê phán ấy. Mình vì mọi người, mọi người vì mình thì chắc chắn mọi bi kịch của số phận sẽ lùi xa.

“Trên đời này chỉ có một điều duy nhất ấy thôi, đó là thương yêu nhau”. Nhưng, đáng buồn thay khi một bộ phận con người, đặc biệt là học sinh trong xã hội chúng ta hiện nay lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Đứng trước cái xấu xa, cái đê hèn, mà không cảm thấy đau xót, phẫn nộ; không cảm thấy nhức nhối trái tim. Đứng trước điều tốt đẹp, những nhân cách cao thượng mà không cảm thấy ngưỡng mộ, cảm phục; không cảm thấy rung động tâm can. Dường như, họ đang sống theo quan niệm: “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, ích kỉ, thiếu tính cộng đồng. Họ không biết vui trước niềm vui của người khác, không biết đau trước những nỗi đau của con người, chỉ bo bo nghĩ tới bản thân mình, sống xa lánh mọi người.

Vậy, nguyên nhân là do đâu? Trước hết phải kể đến nguyên nhân từ gia đình, nhà trường và xã hội. Do mặt trái trong tiến trình phát triển của xã hội, định hướng giáo dục chưa thực sự phù hợp. Ba mẹ không thực sự quan tâm đến con cái, ít dạy con có sự đồng cảm với người khác, với những người chung quanh.  Do bản thân thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại. Họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình.

Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm đối với mỗi cá nhân và xã hội. Vì vô cảm, mà con người trở thành thơ ơ, lạnh lùng đánh mất đi cái lương tâm, cái phẩm chất đạo đức. Quả thật, đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!

Rõ ràng, thái độ sống vô cảm trong xã hội hiện nay cần phải bài trừ và loại bỏ. Bản thân mỗi chúng ta cần phải sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người. Hãy biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái! Hãy yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, cô Mỹ Hạnh còn khuyến khích, hướng dẫn các khóa sinh nên có thái độ tự tin với chính mình, với mọi người trước đám đông, bạn bè, thầy cô. Nhờ thái độ tự tin ấy, chắc chắn các em sẽ không có lối sống tiêu cự, bi quan, chán đời và cũng chẳng còn nhốt mình trong tủ kính do chính mình tạo nên.

Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Hãy trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia, chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương! Vì “Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”.

Kết thúc buổi chia sẻ, các khóa sinh đã gởi đến cô những thắc mắc của mình và tất cả đều được cô giải đáp rõ ràng, ngắn gọn nhưng đã cởi mở mọi nghi vấn trong lứa tuổi vị thành niên của các khóa sinh.

Tiểu Hạ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here