Cô đơn là nỗi ám ảnh của người trước cảnh già nua và tử biệt, vậy nên tu tập như thế nào để có thể vượt qua nỗi ám ảnh này?

0
173

Đây là một câu hỏi thực tế đối với người già. Nếu bạn là người không biết tu tập, vâng, qủa thực già nua và tử biệt chính là nỗi ám ảnh lớn lao của cô đơn. Nhưng trái lại, nếu biết tu tập đúng pháp, thì trong cô đơn, bạn có thể sẽ nếm được hương vị cô liêu với niềm phúc lạc vô biên. Chúng ta biết rằng để đạt đến an lạc-giải thoát thực thụ, bạn cần phải tự thân kinh nghiệm những trạng thái vi tế của thiền định, bao gồm sự xả ly, an định, diệu lạc, và thanh tịnh. Có thể hiểu đại khái lộ trình tâm linh này như sau.

a/ Xả ly tức là buông bỏ mọi tâm bám víu chấp ngã hay mọi ý niệm và biểu hiện của tham lam, sân hận và si mê.

b/ An định là niềm an lạc sinh khởi từ sự định tâm.

c/ Diệu lạc là niềm phúc lạc uyên nguyên sinh khởi từ sự từ bỏ mọi giao động phấn khích của các dục vi tế. Và,

d/ Thanh tịnh, tức là sự an trú trong vô niệm hay con gọi là xả niệm thanh tịnh. Đấy chính là những kinh nghiệm về sự thanh tịnh mà bạn chỉ có thể đạt được trong thiền định hay nói khác đi là trong những lúc sống một mình. Do vậy, đối với một hành giả tu tập, hương vị cô liêu chính là niềm phúc lạc cao thượng và nhiệm mầu khôn lường. Hương vị cô liêu của bậc Thánh vượt lên trên mọi mô tả bằng ngôn ngữ, như Niết bàn tịch tĩnh. Do vậy, đối với người tu tập, cô đơn là cơ hội qúy báu để thể nghiệm diệu pháp tịch tịnh chứ không phải là nỗi ám ảnh đáng sợ theo tâm thức bình thường.