Cái Bẫy – Khách Lữ Hành

0
222

Sukhendu Bhattacharya

CÁI BẪY

Đức Phật dạy rằng: Đối tượng của giác quan là một bẫy mồi, bẫy của ma vương. Đó là bẫy của người thợ săn, và người thợ săn chính là ma vương.

Nếu thú vật bị vướng vào bẫy của người thợ săn thì thật đáng tội nghiệp. Chúng bị giữ chặt cứng, không vùng vẫy thoát thân được, chỉ còn nước nằm chờ người thợ săn đến. Bạn có bao giờ thấy người ta bẫy chim chưa? Chim vừa đụng đến bẫy thì cổ bị vướng vào bẫy. Một cái vòng giữ chặt lấy cổ. Chim có bay hướng nào cũng không thoát được. Càng vùng vẫy, vòng cổ càng bị thắt chặt hơn. Chim chỉ còn nước đợi người chủ của chiếc bẩy đến bắt thôi. Khi người chủ đến, chim lo sợ cuống quít, nhưng cổ đã bị thắt chặt, vô phương đào thoát. Bẫy của “sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp” đều như nhau cả, chúng bắt giữ và cột cứng chúng ta.

KHÁCH LỮ HÀNH

Khách lữ hành đi xa, muốn trở về nhà, chuyện đương nhiên là không thể chỉ ngồi mà tưởng đến việc trở về là được. Họ phải thực sự lên đường ra đi, và đi đúng hướng mới có thể về đến nhà. Nếu đi lầm đường có thể gặp khó khăn, như đầm lầy hoặc các chướng ngại khó khắc phục khác. Cũng có thể sẽ gặp hiểm nguy nếu không đi đúng đường.

Những người đã về đến nhà, có thể nghỉ ngơi và ngủ thoải mái. Nhà là một mái ấm, nhưng nếu người lữ hành chỉ đi tạt ngang nhà, hay chỉ đi quanh nhà thì sẽ không hưởng được các lợi lạc và sự thoải mái của người trở về nhà.

Cũng vậy, nếu muốn tiến đến nơi an lạc, hạnh phúc do giáo pháp đem lại, chúng ta phải lên đường, phải tự đi lấy, không ai có thể đi thay cho chúng ta. Ngoài ra, phải duyên theo giới, định, huệ để đi cho đến khi ta có được tâm thanh tịnh, sáng suốt, an lạc, hạnh phúc. Đó là kết quả của hành trình trên chánh đạo.

Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến thức sách vở, lý thuyết kinh điển, thì đó mới chỉ là sự hiểu biết qua bản đồ và kế hoạch du hành mà chưa thực sự lên đường. Nếu chỉ hiểu biết qua lý thuyết mà không thực hành, thì dù có trải qua hàng trăm kiếp sống cũng không thể nào có được tâm thanh tịnh, sáng suốt và an lạc hạnh phúc. Đó chỉ là sự phí phạm thời giờ mà không gặt hái được lợi ích thật sự của pháp hành. Các bậc thầy là những người chỉ cho ta con đường. Sau khi nghe lời giảng dạy của thầy, chúng ta có chịu tự đi hay không, và do đó có hưởng được lợi ích của sự thực hành hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào nơi ta.

Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here