Buổi Đầu Học Phật

0
190

Đế Quân kể rằng: Khi ta còn làm quan ở triều đình, từng nghe có người từ phương xa đến nói rằng: “Ở một nước về phía tây,[i] có bậc đại thánh nhân[ii] không giới hạn ở lời nói mà người khác tự được giáo hóa, không trói buộc trong việc làm mà tự nhiên thấu triệt chân lý; lấy từ bi làm chủ trương, lấy phương tiện làm cửa vào, lấy việc giữ gìn giới luật làm đạo thường, lấy tịch diệt làm niềm vui, xem chuyện sống chết chỉ như sáng tối thay đổi, ngày qua đêm lại, xem ân oán thân thù đều bình đẳng như nhau, chỉ như sự nhận biết trong giấc mộng, dứt sạch không còn những tình cảm thế tục như buồn, lo, mừng, giận, luyến ái… Thấu biết cõi đời là giả tạm nên chỉ cầu chứng quả vô sanh.”

Ta được nghe rồi, lòng rất ngưỡng mộ bậc thánh nhân ấy. Đến khi ta từ quan về quê, giữa đường bỗng gặp một vị ẩn sĩ, vừa đi vừa hát nơi chốn đông người qua lại. Trong lời ca, ta nghe có nhiều điều sâu xa uyên áo thầm khế hợp, liền lập tức dừng xe, đến bái lễ người ấy xin được chỉ dạy. Vị ẩn sĩ ngước mặt nhìn trời rồi truyền tâm ấn, dạy nghĩa lý chân chánh cho ta, lại nói rằng: “Đây là giáo pháp của bậc thánh nhân phương tây, dạy người đạt đến cảnh giới vắng lặng tịch diệt. Nếu ông luôn nhớ nghĩ mà tu tập theo thì có thể vượt thoát sinh tử, đạt đến cảnh giới của Phật Vô Lượng Thọ. Như đã đạt đến bến bờ giải thoát, ắt có thể trọn thành Chánh giác. Bằng như nửa đường thối thất, cũng có thể vào được cảnh giới của thần tiên.”

Ta thọ nhận giáo pháp ấy rồi, từ đó về sau duyên trần dứt sạch, trăm mối lo phiền đều nguội lạnh. Một hôm, vừa đúng kỳ trung thu, ta cho mời thân quyến bằng hữu cùng đến, lưu lại một bài tụng rồi ra đi.[iii]

Lời bàn

Có người ngờ rằng đến thời Hán Minh Đế thì Phật giáo mới truyền vào Trung Hoa. Như vậy, vào thời của Đế Quân, làm sao có thể nghe được lời người phương xa như thế? Nhưng xem khắp các ghi chép trong sách sử thì biết rằng vào thời Tây Chu,[iv] tại Trung Hoa vốn đã biết đến Phật pháp.

Vào đời Chu Chiêu Vương, ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 26,[v] chính là ngày đức Phật Thích-ca Như Lai đản sinh. Khi ấy, nhìn lên mặt trời thấy có rất nhiều quầng sáng, hào quang ngũ sắc sáng soi, chiếu thẳng vào bên trong triều nội, tỏa rạng bốn phương, cung điện chấn động, nước trong sông hồ ao giếng đều tự nhiên dâng tràn. Chiêu Vương sai quan Thái sử bói quẻ, được quẻ Càn, cửu ngũ,[vi] tâu lên rằng: “Đây là điềm hiện có bậc thánh nhân ở phương tây đản sinh. Sau ngàn năm nữa, giáo pháp của ngài sẽ truyền đến đây.”

Vua sai khắc chuyện này lên đá, đặt phía trước điện thờ Nam Giao.[vii]

Sang đời Chu Mục Vương,[viii] có người truyền đạo từ Tây Vực đến, có khả năng đi vào lửa, nước, xuyên qua vật cứng như kim loại, vách đá, dời núi lấp biển, chuyển dịch thành ấp. Mục Vương cho xây đài Trung Thiên mời vị ấy đến ở. (Trích từ sách Liệt tử – 列子)

Vì thế đến nay có rất nhiều chỗ như núi Ngũ Đài, núi Chung Nam thuộc Sơn Tây, Thương Hiệt Tạo Thư Đài (cách kinh đô Hàm Dương của nước Tần 20 dặm về phía nam), núi Đàn Đài (nằm về phía nam cung Ngọc Hoa đời Đường)… đều còn lưu lại dấu tích của việc Mục Vương xây chùa thờ Phật.

Trong thiên Trọng Ni (仲尼篇) của sách Liệt tử (列子) cũng thấy dẫn lời Khổng tử rằng: “Ta nghe phương tây có vị đại thánh nhân, không trị mà dân không loạn, không nói mà dân tự tin, không giáo hóa mà dân tự làm đúng. Thật lớn lao vĩ đại thay, dân không biết dùng tên gì mà gọi.”[ix]

Ngoài ra, khảo chứng lại vào đời Tần Mục Công,[x] có người ở Phù Phong (thuộc Thiểm Tây) tìm được một pho tượng đá. Mục Công không biết là tượng gì, sai người đem vứt trong chuồng ngựa. Ngay sau đó, Mục Công bỗng thình lình ngã bệnh, nằm mộng thấy bị thiên thần trách mắng. Mục Công đem việc ấy hỏi triều thần, Do Dư tâu rằng: “Tôi nghe nói vào thời Chu Mục Vương có người truyền đạo đến, nói là đệ tử Phật. Mục Vương tin tưởng vị ấy, cho xây đài Trung Thiên cao hơn ngàn thước[xi] mời đến ở, chỗ nền đài ấy hiện nay vẫn còn. Ngoài ra, ở gần Thương Hiệt Đài lại có xây chùa Tam Hợp. Nay bệnh của bệ hạ có liên quan đến việc ấy chăng?”

Mục Công nói: “Gần đây có tìm được một pho tượng đá, y phục không giống như người thời nay, hiện đang bỏ trong chuồng ngựa, chẳng biết có phải là tượng Phật chăng?” Liền cho người mang đến, Do Dư nhìn thấy kinh hãi nói: “Quả đúng rồi!”[xii]

Mục Công lập tức thỉnh tượng Phật đặt lên chỗ sạch sẽ. Tượng đột nhiên phóng hào quang sáng rực. Mục Công cho là thần nhân nổi giận, liền giết đủ 3 loài vật là trâu, dê và lợn mang đến cúng tế. Khi ấy có thiện thần xuất hiện mang những vật cúng tế ấy vứt ra ngoài xa. Mục Công hết sức hoảng sợ, đem việc ấy hỏi Do Dư.

Dư nói: “Tôi nghe rằng đức Phật là bậc thanh tịnh, không được dâng cúng rượu thịt. Ngài thương xót bảo vệ sinh mạng tất cả chúng sinh như con đỏ. Bệ hạ muốn dâng cúng, xin dùng bánh trái là được.”

Mục Công vui mừng khôn xiết, phát tâm muốn tạo tượng Phật, nhưng không biết tìm người tạc tượng ở đâu. Do Dư liền nói: “Xưa Mục Vương xây chùa tạc tượng, ắt những vùng chung quanh đó có thể tìm được thợ giỏi.”

Quả nhiên, sau đó tại Nam thôn gần Thương Hiệt Đài tìm được một cụ già tên Vương An, đã thọ đến 180 tuổi, kể lại rằng đã từng chính mắt được thấy việc tạc tượng ở chùa Tam Hợp, nhưng nay già quá không thể làm được nữa. Liền tìm kiếm trong cùng thôn ấy, thuê được 4 người thợ, tạo thành một tượng Phật bằng đồng.

Mục Công vui mừng, liền cho xây dựng một tòa lầu gác trên nền đài, cao đến 300 thước để cúng dường tượng Phật, thuở ấy gọi là Cao Tứ Đài. (Trích từ các sách Thiên nhân cảm thông ký -天人感通記 – và Pháp uyển châu lâm – 法苑珠林)

Thật ra, vào thời Tây Hán,[xiii] Dương Hùng, Lưu Hướng trong khi sưu tầm các tàng thư cũng rất thường gặp kinh Phật được cất giữ trong đó. Có thể thấy rằng những lời của Khổng tử cùng với những gì Đế Quân đã được nghe đều không phải là vô căn cứ. Chỉ tiếc là thời ấy kinh điển Phật giáo chưa được chính thức truyền đến, nên những sự việc ghi chép lại đều quá sơ lược.

[i] Chỉ nước Ấn Độ, xưa cũng thường gọi là Tây Thiên Trúc.

[ii] Chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni. (Chú giải của soạn giả)

[iii] Bài tụng này được ghi lại trong sách Hóa thư (化書). (Chú giải của soạn giả)

[iv] Nhà Chu do Chu Vũ Vương sáng lập, lật đổ vua Trụ nhà Thương mà lên ngôi. Về sau nhà Chu suy vi, dời đô về phía đông, chư hầu loạn lạc, tức là thời Đông Chu liệt quốc. Vì thế, để phân biệt với Đông Chu nên gọi thời Chu sơ là Tây Chu.

[v] Ở đây y theo nguyên bản mà chuyển dịch, nhưng theo những kết quả khảo cổ gần đây nhất thì Chu Chiêu Vương trị vì trong giai đoạn từ năm 995 trước Công nguyên đến năm 977 trước Công nguyên. Như vậy, ông chỉ ở ngôi 18 năm, không có năm thứ 26. Ngoài ra, theo những hiểu biết được công nhận hiện nay thì đức Phật Thích-ca đản sinh vào khoảng năm 624 trước Công nguyên, tức vào khoảng thời gian trước niên đại của Khổng tử (551 – 479 trước Công nguyên) ít lâu, nhưng đã thuộc vào thời Đông Chu chứ không thể rơi vào thời của Chu Chiêu Vương, vốn trước đó quá xa. Căn cứ theo lịch sử Trung Hoa thì thời gian đức Phật đản sinh là vào đời Chu Tương Vương (651 đến 619 trước Công nguyên) thuộc nhà Đông Chu.

[vi] Tức là quẻ tốt nhất, tượng trưng cho ngôi vua chí tôn.

[vii] Trích từ các sách Chu thư dị ký – 周書異記 – và Kim thang biên – 金湯編 (Chú giải của soạn giả) Điện thờ Nam Giao tức điện thờ thiên địa, là nơi nhà vua thay mặt thiên hạ tế cáo trời đất.

[viii] Theo những kết quả nghiên cứu mới đây nhất thì Chu Mục Vương trị vì trong khoảng từ năm 976 đến 922 trước Công nguyên.

[ix] Khổng tử cũng có viết một quyển sách tên là Tam bị bốc kinh – 三備卜經 – trong đó ở thiên thứ hai có nhiều chương đề cập đến những chuyện về vị thánh nhân phương tây, tức là đức Phật. Đời Đường Hiến Tông còn thấy có người trích dẫn, đề cập đến sách này. (Chú giải của soạn giả)

[x] Tần Mục Công là vua chư hầu của nhà Chu, ông trị vì nước Tần trong khoảng thời gian 659 – 621 trước Công nguyên.

[xi] Thước cổ của Trung Hoa, bằng khoảng 0,3 mét.

[xii] Tại Triều Tiên, Nhật Bản, những năm đạo Phật chưa truyền đến, từ trong lòng đất bỗng hiện mây lành mạnh mẽ bay lên, những chỗ ấy đều khai quật được tháp của vua A-dục tạo xưa kia. (Chú giải của soạn giả)

[xiii] Nhà Tây Hán do Lưu Bang khởi nghiệp, bắt đầu vào năm 202 trước Công nguyên, kéo dài đến khoảng năm 25 (đầu Công nguyên).