Lời dẫn: Thiền sư Huyền Giác nói:
Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sinh, sinh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận.
Thân ngũ uẩn của chúng ta nằm trong quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Vạn vật bên ngoài theo sự thành, trụ, hoại. Tất cả các pháp đều như ảo ảnh, mộng huyễn; huống gì nằm mộng thấy mộng? Nhưng người bình thường sống trong ảo ảnh này vẫn không tự biết. Hàng ngày, họ tìm cầu cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, phương tiện đi lại cho đầy đủ mà không ngừng tính toán chiếm đoạt tài sắc, danh lợi. Đến khi, sắp trút hơi thở cuối cùng vẫn khư khư cố chấp ảo ảnh không chịu buông bỏ, không biết mình bị ảo ảnh lừa gạt cả một đời, ôm nhiều uẩn khúc vĩnh biệt trần gian.
Có người chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy giống như sư tử vớt trăng dưới nước; chẳng những uổng phí công sức mà thân còn tạo tội nghiệp. Người ngu thấy bóng vàng in dưới nước, cho là vàng thật, uổng công ra sức vớt; khác nào như vớt trăng trong nước?
Ngày xưa có một người cha rất giàu có, ông rất yêu thương chiều chuộng con trai mình, chỉ cần chú bé thích bất cứ vật gì thì ông đáp ứng ngay. Nếu không có thì ông phải tìm trăm phương nghìn kế để tìm cho bằng được; huống gì những thứ nhu cầu thường ngày như cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, phương tiện đi lại, chẳng cần nói đến.
Một hôm, chú bé thấy ở nơi khác có một hồ tắm, liền nói:
– Cha ơi! Con muốn bơi. Cha cho con đến hồ đó bơi được không?
– Được! Nhưng con cẩn thận nhé! Con đi trước, lát nữa cha đến sau.
Chú bé đến hồ tắm một mình, rồi ngồi trên bờ hồ, ngắm nhìn nước trong xanh; chim sẻ ở đâu cũng kéo đến đậu trên cây hót lúi lo, hoa nở rực rỡ, cây cối xanh tươi phong cảnh rất đẹp. Bỗng nhiên, chú nhìn thấy dưới đáy nước có thẻ vàng chiếu sáng lấp lánh, làm cho chú vô cùng thích thú reo lên: “Ta phải vớt thẻ vàng này lên”. Vì thế, chú liền nhảy tõm xuống nước, mò tới mò lui trong hồ, vốc từng nắm bùn cát dưới đáy hồ lên xem, làm nước trong xanh trở thành đục ngầu, chú cũng không tìm được thẻ vàng. Thân thể đầy bùn lấm len, mệt mỏi chú mới chịu leo lên bờ.
Chú kinh ngạc nói lẩm bẩm: “Thật kì lạ! Ta nhìn thấy thẻ vàng rõ ràng, tại sao tìm không ra nhỉ?”. Chú ngồi một lúc, nước lắng trong trở lại. Chú lại nhìn thấy thẻ vàng, vội nói: “Lần này, ta nhất định không để mi thoát đâu nhé!”. Do đó, chú để ý chỗ có vàng, khi chú sắp nhảy xuống nước vớt lên thì cha chú đến đúng lúc hỏi:
– Này con trai! Con đang làm gì vậy?
Chú đáp:
– Cha ơi! Con muốn vớt thẻ vàng lên.
– Dưới nước làm gì có vàng? Nhất định con thấy lầm rồi.
– Dạ, không lầm đâu cha ơi! Con nhìn thấy dưới nước có thẻ vàng rõ ràng.
Cha chú bước đến nhìn xuống nước theo tay chú chỉ, liền bảo:
– Này con! Dưới nước không có vàng mà vàng thật đang ở trên cây kìa. Con trèo lên cây mới lấy được vàng.
– Cha nói không đúng! Rõ ràng con nhìn thấy vàng dưới đáy nước. Vì sao nó ở trên cây?
Chú bé vẫn không tin lời cha nói. Người cha bảo:
– Nếu con không tin, bây giờ con không cần nhìn xuống nước nữa mà hãy ngước lên cây thì thấy vàng thật.
Chú bé liền ngước nhìn lên cây, quả nhiên có thẻ vàng treo trên đó. Chú chợt hiểu vừa rồi chú tìm trong nước là bóng vàng in xuống, làm cho chú tốn công phí sức mà chẳng được gì.
Bài học đạo lý
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể chứng minh tất cả sự vật ở thế gian quý ở chỗ biết và không biết.
Có người mê muội không biết. Có người cố chấp quan điểm tự làm hại mình. Có người không biết tự cho mình biết, chỉ vì chuộng sĩ diện. Cho nên, thế gian có những loại tà kiến. Suốt đời con người chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy, giống như chạy theo ảo ảnh mà không biết nó là huyễn. Sau khi, nghe Phật pháp nói mới biết tất cả sự vật đều là không thật. Nhưng nhu cầu cho sắc thân năm uẩn phải có những thứ này. Chúng ta phải biết sắc thân năm uẩn này cũng là không. Nếu chúng ta không biết thân này là không thì lao nhọc cả đời; giống như chú bé trong câu chuyện tìm vàng dưới đáy nước.
Cái gì gọi là chân? Là bản tính của chúng ta, từ quá khứ đến vị lai, vô thỉ vô chung. Chúng ta muốn tìm bản tính của mình, phải tu tập tâm. Tâm là báu vật vô hạn, giá trị như các thành nối liền nhau, kẻ đánh chiếm không lấy hết được, lương thực không bao giờ cạn. Vì sao lại muốn ở thế gian huyễn mộng để lao tâm khổ tứ? Cái nào là chân? Cái nào là giả có liên quan hiểu biết sâu cạn của mỗi người, cũng có liên quan đến tri kiến, tà kiến của mỗi người.
Chúng ta lấy tri kiến của Phật làm tri kiến, nếu như mọi người có kiến giải khác nhau, cũng là việc không có biện pháp. Việc này giống như mỗi người đi đường Dương Quan của mình. Đức Phật mong muốn chúng ta giải thoát sinh tử, nên Ngài dạy đạo giải thoát; Ngài mong cho chúng ta thành Phật, nên nói hành đạo Bồ-tát; cho đến cõi trời, cõi người, ba đường ác, mỗi người đi theo con đường của mình. Chúng tôi cũng hi vọng các vị đi vào con đường bậc thánh. Nếu như chúng ta muốn đi vào ba đường ác thì dù có Đức Phật còn ở đời cũng không có cách gì cứu được. Chúng tôi mong muốn mọi người bỏ giả tu chân nhé!