Có ông già nhà quê suốt đời sống với rẫy vườn trong một vùng núi non xa xôi. Nay ông xuống thành phố lần đầu tiên để thăm con.
Một hôm ông được đưa đi xem phố xá của thị thành. Ông ngạc nhiên nghe một thứ âm thanh lạ kỳ và nhất quyết tìm cho biết. Ông phăng lần đến căn phòng đằng sau một tòa nhà và thấy có em bé đang kéo đờn. Thì ra những âm thanh chói tai ò ò, e e… phát xuất từ cây đờn này. Hỏi thứ đờn gì, ông được biết đó là cây vĩ cầm. Từ dạo đó, ông nói, ông không bao giờ muốn nghe tiếng vĩ cầm nữa.
Hôm sau ông nghe trong một góc phố khác những âm thanh du dương như vuốt ve đôi tai già yếu của ông. Núi rừng nơi ông sanh ra và lớn lên không có các âm thanh này. Ông lại đi tìm nữa. Đến nơi ông thấy một bà đứng tuổi đang kéo vĩ cầm, bà là nhạc sư còn bản nhạc là Sonata.
Bấy giờ ông mới vỡ lẽ rằng mình sai. Tiếng ò e chói tai ông nghe hôm qua không phải lỗi tại cây vĩ cầm mà cũng không phải tại cô bé. Đó chỉ là những tiếng nhạc chưa thuần thục mà thôi.
Cũng vậy, trong lĩnh vực tôn giáo, nếu có ai vì quá mê muội mà gây tranh chấp đạo giáo, đạo giáo nào có lỗi gì. Nếu quy lỗi, sự mê muội là nguyên nhân gây tội lỗi vậy. Si mê thường ẩn núp trong những kẻ sơ cơ, tu chưa đến nơi đến chốn mà cô bé tập vĩ cầm là một ví dụ điển hình. Còn nhạc sư vĩ cầm tượng trưng cho các bậc thượng thừa không còn tham, sân, si; chư vị đem lại cho thế gian biết bao vị ngọt, hương thơm của đạo giáo, bất kỳ là đạo nào.
Chuyện chưa hết…
Ngày thứ ba, ông già nhà quê nghe được tại góc phố khác một thứ âm thanh tuyệt vời, vượt hẳn tiếng vĩ cầm của bà nhạc sư. Âm thanh gì vậy? Bạn có thử đoán được không?
Âm thanh của một dàn nhạc giao hưởng. Nhạc lúc dìu dặt như thác nước trong lành của mùa xuân, lúc vi vu như tiếng gió reo giữa rừng thu, líu lo như chim hót trên cành sau trận mưa giông. Có lúc tiếng nhạc đẹp huyền ảo như sự an lành trong hang động vào những đêm đông tĩnh mịch. Sở dĩ có được một bản nhạc tuyệt vời như vậy vì các tay đờn đều là danh cầm và vì họ biết thế nào là hòa âm.
“Có thể nào đạo giáo được như vậy chăng?” Ông già nhà quê của chúng ta suy tư. Ông nghĩ có thể lắm chớ, nếu mỗi người chúng ta biết học lấy lòng từ qua cuộc sống và nếu mỗi chúng ta đều phát huy tâm bi trong đạo mình. Hiểu đạo mình rồi chúng ta hãy sống hòa với các đạo khác.
Hòa hợp là âm thanh đẹp nhất!