Những kẻ đi bắt ếch nhái, phần lớn đều là hạng thuyền chài thiếu hiểu biết. Khuyên họ giữ giới không giết hại, ắt tự thân họ không chịu nghe theo. Nhưng thế gian có biết bao món ngon lạ, mà loài ếch nhái đến nay số lượng còn lại hết sức ít ỏi, [sao nỡ giết ăn?]
Nếu như số người ăn thịt ếch nhái có thể giảm đi, thì số người đi bắt cũng sẽ tự nhiên ít dần. Vì thế nên khuyên người đời không nên ăn thịt ếch nhái, xin hãy thận trọng suy xét.
Ếch kêu oan
Họ Vương giữ chức quan Đồng Tri, vốn người Tô Châu, một hôm đang ở tại Cú Dung, bỗng nhìn thấy một bầy ếch nhảy nhót ngay trước mặt mình. Vương Đồng Tri liền nói với chúng: “Nếu quả có điều oan khuất thì hãy chỉ cho ta biết là ở nơi nào.”
Bầy ếch khi ấy liền tụ tập cả lại một chỗ. Vương Đồng Tri ra lệnh cho thuộc hạ đến đào xuống chỗ ấy liền phát hiện một xác chết vẫn còn nguyên vẹn, miệng ngậm chặt một cây roi, nơi cán roi có khắc tên họ một người.
Vương Đồng Tri sai nha dịch đến Đan Dương, dùng tên họ ấy điều tra qua một lần đã tìm bắt ngay được hung thủ là một tên phu xe. Tra hỏi ra liền biết rõ sự việc. Nguyên là có một thương gia mua ếch đi phóng sinh, do để lộ tiền bạc mang theo nên bị tên phu xe này tham tiền giết chết. Vương Đồng Tri lập tức xử tội tên phu xe đền mạng. Người Giang Tô nhân sự việc này thường gọi ông là Vương Ếch.
Con ếch khi bị người giết, phải chịu nỗi khổ của tám địa ngục nhỏ. Con người khi giết ếch, đó là tạo ra nhân của tám địa ngục nhỏ:
– Vào lúc ếch bị người giết thịt, trước hết chặt bỏ đầu. Đó là địa ngục nhỏ thứ nhất: địa ngục chặt đầu.
– Sau khi đã chặt, liền lột da ếch. Đó là địa ngục nhỏ thứ hai: địa ngục lột da.
– Tiếp theo chặt đứt bốn chân. Đó là địa ngục nhỏ thứ ba: địa ngục chặt chân.
– Sau đó moi ruột móc gan. Đó là địa ngục nhỏ thứ tư: địa ngục mổ ruột.
– Xong, cho vào nồi nấu đun lửa nóng. Đó là địa ngục nhỏ thứ năm: địa ngục dầu sôi.
– Nêm nếm gia vị vào nồi. Đó là địa ngục nhỏ thứ sáu: địa ngục ướp muối.
– Cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Đó là địa ngục nhỏ thứ bảy: địa ngục đá nghiền.
– Nuốt vào trong ruột, lẫn cùng các thứ ô uế. Đó là địa ngục nhỏ thứ tám: địa ngục phẩn dơ.
Theo như trên mà xét, thì người bắt ếch đem đi bán là tự tạo nhân của bốn địa ngục đầu tiên, đó là tự tác. Đối với bốn địa ngục cuối cùng, tuy không tự mình làm nhưng lại khiến cho người khác làm, đó là giáo tha tác.
Đối với người mua ếch về ăn thì bốn địa ngục đầu tiên là khiến cho người khác làm, [vì mình không mua thì không người khác không bắt ếch,] đó là giáo tha tác. Bốn địa ngục sau cùng lại là tự mình tạo nhân, đó là tự tác.
Nếu người tự mình bắt ếch về ăn thịt, đó là tự tạo nhân của cả tám loại địa ngục, tất cả đều là tự tác.
Nếu tự mình không bắt ếch cũng không ăn thịt ếch, nhưng đối với việc bắt ếch ăn thịt của người khác lại không phản đối mà phụ họa theo, khiến cho người khác có thể thuận lợi mà làm, đó cũng là tạo nhân của tám địa ngục nhưng bằng cách giáo tha tác.
Nếu có thể quán xét rõ ràng như vậy, mới biết là mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, tay làm, mỗi mỗi động tĩnh trong đời [nếu không tỉnh giác] đều tạo thành tội nghiệp. Cho nên, thế giới Ta-bà này có đủ năm sự uế trược, thật không dễ sống!