Thầy nói ngộ hay đệ tử nói ngộ?

0
168

Hỏi:

 Thầy đã nói trong sách lịch sử Thiền Tông Trung Hoa có 7.000 người đã ngộ, khi một người được ghi là ngộ do chính người đó nói là tôi ngộ hay do người khác xác nhận người đó ngộ mới được ghi vào sử. Ví dụ nhớ lại Phật Thích Ca thì Phật Thích Ca tự nói ta ngộ, chứ đâu có ai xác nhận Phật đã ngộ?

 Những quyển sách của người Trung Hoa hay của người Nhật Bản nói: Các đệ tử tham thoại đầu hay tham công án, rồi vô gặp Thầy trình sở đắc của mình. Đầu tiên, Thầy nói chưa ngộ gì hết. Lần thứ hai có thể gần, lần thứ ba cũng chưa, lần thứ tư nói là ngộ. Vậy chuyện trong sách do ông Thầy nói đã ngộ hay người đệ tử nói chính tôi ngộ rồi?

Đáp:

 Không phải ai nói, trong Pháp Bảo Đàn, có người hỏi Lục Tổ: Ngài ngộ chưa?

 Lục Tổ nói: Tôi chưa ngộ.

Trong Nam Tuyền ngữ lục kể công án có Ông Quan hỏi Ngũ Tổ: Tại sao 500 Tăng chỉ có Lục Tổ được truyền y bát, còn những người kia không được truyền?

Ngũ Tổ nói: 499 người kia đều biết Phật pháp, chỉ có Huệ Năng là siêu việt nên mới được truyền.

Hỏi:

 Sở dĩ có câu hỏi là Thầy đã nói lịch sử Thiền tông có ghi 7.000 Tổ đã ngộ rồi. Vậy ai xác nhận những người ấy đã ngộ?

Đáp:

 Ai xác nhận đâu! Ngày xưa, lời nói của chư Tổ không cho đệ tử ghi, nhưng do tánh con người ham biết ghi lén, mới thành Truyền Đăng Lục, lúc ấy vua niên hiệu là Cảnh Đức, còn gọi là Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Trong này ghi 1700 công án, những người ngộ này có thầy ấn chứng, nhưng sự ấn chứng không nói ra. Như Quy Sơn và La Sơn ấn chứng Trịnh 13 đã ngộ, nhưng không có nói đã ngộ.

 Có chỗ ấn chứng là phần ít, còn phần nhiều không có ấn chứng. Ngày xưa có người ra hoằng pháp không nói là được truyền pháp của ai. Đến khi người ta mời trụ trì hoằng pháp, đốt cây nhang đầu tiên mới nói “tôi được nhờ thầy… mà được ngộ đạo”. Chính thầy ấy còn chưa biết, khi gởi thư đến thầy nói rằng: “Con nối pháp của thầy” thì thầy xem thư mới biết mình có đệ tử này sao! Vì lâu quá nên quên. Có đệ tử gởi thư tới thì thầy đã tịch.