Các tướng đều thường trụ?

0
155

Hỏi:
 Đoạn văn trong Tham Thiền Phổ Thuyết “Thường trụ thật là khó làm. Như chỗ rạp hát rất là vui vẻ hấp dẫn, ở mười ngày hai mươi ngày còn lưu luyến, chứ ở lâu thì chẳng chịu nổi. Sao vậy? Chỗ không vừa ý, khó trụ là lẽ đương nhiên, tại sao chỗ vừa lòng mà cũng chẳng thường trụ? Trong đó có cái việc kỳ đặc mà phàm chẳng thể hiểu, Thánh chẳng thể hội. Kỳ đặc ra sao? Một niệm ban đầu của chúng ta y vào gốc vô trụ mà sanh huyễn trụ, như chẳng thể thường trụ là chẳng phải hiện tại chẳng thường trụ. 

Thế giới có tướng thành, trụ, hoại, không; con người có tướng sanh, già, bệnh, chết; tâm có tướng sanh, trụ, dị, diệt, đều chẳng phải tướng thường trụ. Mọi người đều theo tướng này sanh, theo tướng này diệt, chẳng thể nào chạy ra khỏi tướng này một bước. Cho nên nói: ‘Pháp đó trụ ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ’. Ngộ được tướng này, tất cả các tướng đều thường trụ”. Kính xin Sư Phụ khai thị? 

Đáp:
Thường trụ ở đây nói là Tự tánh, Tự tánh thì bất động (như như bất động). Kinh Lăng Nghiêm nói “tất cả có lay động nên biến đổi”, có biến đổi phải chết mất. Cái nào không lay động thì không biến đổi, nên không chết mất (thường trụ). Thường trụ này là Tự tánh không thay đổi (không lay động), nhưng tất cả lay động là cái dùng của nó.

Như Lục Tổ nói “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm của ông động”. Nói tâm của ông động, không phải tâm có động nhưng là cái dùng của tâm, làm cho phướn động, làm cho gió động. Khoa học bây giờ cũng chứng tỏ, họ không nói là năng lượng của tâm.

Tánh con người ham thích, tương đối là chán nản; như nghe nói tuồng hát hay liền đi coi, coi hai ba lần là chán nản; bảo đi coi nữa thì không muốn đi, nhưng lần đầu rất ham thích. Thường trụ này là bản tâm của mình, tánh vốn là vậy.

 Tự tâm là như như bất động, nói theo lời thế gian là thường trụ. Nhưng cái dụng vô trụ, nếu cái dụng mà trụ thành chấp, bản thể vô trụ. Như tấm gương không động, dụng chiếu soi, người nam đến hiện hình người nam, người nữ đến hiện hình người nữ… bất cứ gì đến cũng hiện. Hiện là cái dụng của tấm gương, nhưng nó chỉ có một mặt, mặt sau không dùng được.

Cho nên, hình dung bản tâm là Đại viên cảnh trí, là cái gương tròn; tức chiếu soi hết mười phương, không chỗ nào thiếu sót nhưng chẳng động. Ngài Long Thọ giải thích hư không vô sở hữu, tất cả đều ở trong vô sở hữu và hiển bày cái dùng. Vô sở hữu không động, nhưng tất cả đều động; mà trụ cái động nào, gọi là vô trụ. Nếu trụ một cái động nào là chướng ngại cái dùng.
Nếu theo tướng thế gian thì sanh diệt, không có thường trụ; nhưng trụ theo ngôi pháp là thường trụ, như giấy trụ nơi ngôi pháp giấy, đem giấy đốt thì ngôi pháp giấy mất, thành ngôi pháp tro trụ ngôi pháp tro. Tùy theo pháp sanh trụ nơi pháp sanh, pháp diệt trụ nơi pháp diệt; tức là không đem ý mình vô trong pháp đó, tất cả đều y như cũ; không đem ý mình cho thật hay giả, không xen ý mình vô là vô trụ. Pháp nào trụ theo pháp đó gọi là thường trụ.
Có người dịch là “tướng thế gian thường còn” thì sai nghĩa. “Thường trụ” không thể dịch là “thường còn” được, nghĩa thấy giống nhưng ý lại khác. Nếu “thường trụ” dịch là “thường còn” thì “chẳng trụ” phải dịch là “chẳng còn”, vậy “chẳng còn” không thể được. Cho nên, thường trụ chẳng phải chẳng còn, chẳng trụ chẳng phải chẳng còn.