Mỗi hành động hàng ngày của Tu sĩ đều niệm chú, vậy việc ấy như thế nào?

0
154

Hỏi:
 Mỗi hành động hàng ngày của Tu sĩ đều niệm chú, vậy việc ấy như thế nào?

Đáp:
Việc ấy tôi không biết ai đặt ra, bởi vì theo thần chú là Mật tông. Bây giờ khóa sáng chiều của Giáo môn là tổng hợp đủ thứ, tụng kinh, niệm chú, thí thực, kiết thủ ấn…đều có. Có người không hiểu ý kinh của Phật, rồi tự lấy ý mình thay cho ý của Phật. Đốt vàng mã là lừa người gạt quỷ.

Lục Tổ nói “vô niệm, niệm là chánh; hữu niệm, niệm là tà”. Kinh Địa Tạng là bất liễu nghĩa nói “khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp”. Nhưng người ta không chịu để ý, cứ theo sự ham thích của mình.

 Nếu nuôi sự ham thích của mình, làm sao giải thoát? Phật dạy là nghịch lại cái ham thích của mình. Kinh Lăng Nghiêm nói “vi kỳ hiện nghiệp” (trái lại nghiệp hiện tại của mình). Mình ham thích cái này thì mình không ham thích, ghét cái này thì ngược lại không ghét. Cho nên mới được giải thoát.
Nếu thuận theo sự ham thích thì bị cảnh lôi kéo, đối với Phật pháp không có tác dụng. Phật pháp là muốn người ta giải thoát, lìa khổ vĩnh viễn; nhưng mãi tạo nhân khổ, làm sao lìa được! Mình phải hiểu ý của Phật dạy.
Tiểu thừa cũng phải lìa dục, nên được ra khỏi luân hồi. Việt Nam và Trung Quốc là nước Đại thừa, có người tu theo Đại thừa lại chê Tiểu thừa, nhưng làm không bằng Tiểu thừa. Tiểu thừa còn phá nhân ngã chấp ra khỏi luân hồi, mà có người tu theo Đại thừa không phá ngã chấp, lại thêm chấp pháp nữa, miệng thuyết pháp chê Tiểu thừa. Người đi thọ giới cũng phải qua giới Tiểu thừa vậy. Giới Sa di, Tỳ kheo… đều là giới của Tiểu thừa.

Có người chỉ cần hiểu qua giáo lý, không cần giữ giới. Như Tu sĩ ở Nhật Bản có vợ và ăn mặn, gọi là Tân Tăng (Tăng mới), họ cho là tiến bộ. Nếu không có giữ giới thì đâu khác với người thế gian! Làm sao gọi là người xuất gia được? Bị ngũ dục lôi kéo thì không thể giải thoát. Đức Phật dạy giải thoát, thuận theo ý mình, rồi cho theo giới luật của Phật dạy là xưa, bây giờ phải học cái mới.

Theo tôi biết không có người nào thực hành, như uống nước tụng chú, ăn cơm tụng chú… vì như vậy phiền phức quá. Người tu Tịnh độ chỉ cần niệm một câu A Di Đà Phật là đủ, nếu niệm thành khối thì được tịnh tâm, nên ăn cơm cũng tịnh được tâm, đâu cần nhớ thần chú để tụng!

Tham thiền là hỏi câu thoại và nhìn thoại đầu, thì không cần nhớ thần chú để tụng. Thiền quán Giáo môn như: Sổ tức chỉ cần đếm hơi thở từ 1 đến 10, rồi 10 ngược lại 1, cũng không cần nhớ thần chú để tụng. Rất là đơn giản và có kết quả, những pháp của Phật dạy mình không chịu thực hành, mà thực hành những cái của người đời sau bày đặt ra làm chi!