“Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Xin Thầy khai thị?

0
201

Hỏi:
 “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Xin Thầy khai thị?

Đáp:
 Đó là lời nói, kinh Lăng Nghiêm nói “phàm có lời nói đều chẳng nghĩa thật”. Tất cả kinh điển đều dùng lời nói, danh tự. Thiền  tông là bất lập văn tự, không có thể dùng lời nói. Nếu dùng lời nói thì không đúng thật tế. Như kinh có thí dụ: người mù bổn sanh không thấy mặt trời, hỏi mặt trời thế nào? Người mắt sáng trả lời là tròn với nóng, người mắt sáng diễn tả đúng; nhưng người mù cho tròn với nóng là mặt trời thì sai.

Tôi biết mặt mũi ông Trương, có người hỏi tôi “mặt mũi ông Trương như thế nào?” Tôi diễn tả thật kỹ cho người ấy nghe, nhưng người ấy gặp ông Trương ở ngoài đường vẫn không biết. Tôi giới thiệu trước mặt ông Trương, lần sau người ấy gặp ông Trương ở đâu cũng biết. Tại sao? Không phải lời nói của tôi không đúng! Nhưng lời nói là lời nói, thật tế là thật tế. Thật tế không phải dùng lời nói để thay thế được. Cho nên, Phật nói “phàm có lời nói đều chẳng có nghĩa thật”.

Nghĩa thật là phải tự ngộ mới được, Phật muốn trị bệnh mù của chúng sanh; hết bệnh mù thì tự thấy, khỏi cần nhờ người mắt sáng. Người mắt sáng không muốn lừa gạt, vì không hiểu nên bị lừa gạt; tức chấp lời của người mắt sáng là bị lừa gạt, chính Phật Thích Ca rất sợ người ta chấp lời của Phật.
 Cho nên, kinh Kim Cang nói “ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”. Vì vậy, chỗ này rất là mâu thuẩn. Chính kinh Kim Cang của Phật thuyết, mà Phật lại nói “ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”. Thật tế là vậy.

Thật tế nhờ vô sở hữu là hư không này, ứng dụng hàng ngày mà không biết. Bây giờ tôi nói cho biết, rồi cũng không nhìn nhận; cũng muốn sở hữu cho nhiều, chứ không chịu vô sở hữu. Chỉ Thiền tông có Bàng Uẩn là tỷ phú đem tất cả gia tài bỏ xuống biển, rồi hàng ngày làm giỏ tre sai con gái ra chợ bán để đổi gạo ăn. 

Có người hỏi: tại sao không đem tiền cứu giúp người nghèo để có phước đức?
 Bàng Uẩn trả lời: tôi đã bị hại nhiều rồi, sao lại đem hại người khác!
 Người ấy nói: sao không để lại một ít tiền để ăn mà tu?
 Bàng Uẩn nói: tôi đã biết bị hại, sao tôi tiếp tục bị hại nữa!
 Cho nên, cả gia đình gồm có 4 người đều được kiến tánh.
 Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Vì vậy, Phật dạy có 84.000 pháp môn để tu từ từ.