Thế nào là tham thiền?

0
1092

Hỏi: 
Thế nào là tham thiền?

Đáp:
Tham thiền là dùng cái không biết để tu, chỉ cần không biết.

Ba năm trước, tôi đi Canada có 10 Phật tử đi cùng, trong đó có hai mẹ con, đứa con mới 3 tuổi cũng tham thiền, tham câu “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Đã tham mấy tháng.

Đến thành phố lớn nhất của Canada là Toronto, vào Quán khoa học có máy tính để coi hoạt động của bộ óc. Máy đó được chia ra ba mươi mấy cấp, có cái bàn để cho tay đặt lên thì đèn báo hiện. Những người tham thiền đề câu thoại đầu và nhìn chỗ không biết, xem chỗ không biết là cái gì, bộ óc hoạt động giảm bớt lại thì đèn xuống dần rồi tắt luôn.

Bình thường, tôi thuyết pháp là con nít 6, 7 tuổi mới tham thiền, bà già 8, 9 chục tuổi cũng được tham thiền. Nhưng 3 tuổi thì tôi không tin nổi, sẵn có cái máy thử coi; tôi ẵm nó để trên đầu gối, lấy tay nó đặt trên máy thì đèn sáng ở trên; tôi bảo nó tham thiền đi, đèn từ từ xuống rồi tắt.

Mấy người da trắng đứng một bên thấy vậy ngạc nhiên cho lạ quá! Sao các người đều làm được, luôn cả thằng bé cũng làm được? Tại sao chúng tôi làm không được? Tôi nói “phải bớt suy nghĩ mới được”. Người ấy nói “tôi không suy nghĩ, sao đèn không xuống?”

Họ nói vậy, nhưng bộ óc không nghe lời, khó khống chế nên không thể làm. Còn các Phật tử đều có tập tham thiền, có người theo tôi tham thiền mười mấy năm rồi. 3 tuổi cũng tham thiền, có máy đã chứng tỏ. Tại sao? Vì dùng cái không biết, không biết sẵn, nên nó tham thiền được. Bé còn dạy tham thiền cho các bé lớn hơn nó. Hỏi nó: sao không dạy tham thiền cho bé bằng mày? Bé trả lời: mấy đứa đó không biết.

Hỏi “khi chưa có trời đất, ta là cái gì?” Cảm thấy không biết; nhìn chỗ không biết, xem chỗ không biết đó là cái gì? Vừa hỏi vừa nhìn, vừa nhìn vừa hỏi, nhìn với hỏi một lượt. Nhìn đến biết được, gọi là kiến tánh. Mặc dù, nhìn muốn biết, nhưng không cho suy nghĩ tìm hiểu để biết, không cho giải thích để biết, cứ hỏi và nhìn hoài; rất dễ, vì thằng bé 3 tuổi cũng làm được, mình là người lớn sao không làm được? Giờ nào rảnh thì tham thiền, tham cho đến được tự động, có khi quên tham nó cũng khởi lên.

Nếu chỉ hỏi “ta là ai?” thì dễ có đáp án. Còn “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” thì không thể hiểu, phải thật không hiểu mới được. Cần cái không biết và nhìn chỗ không biết là cái gì? Muốn biết chỗ không biết là cái gì, mà không biết nổi. Nếu một ngày kia thình lình biết được là kiến tánh thành Phật, thì tất cả khổ đều chấm dứt hết. Ngộ rồi biết khắp không gian thời gian, không chỗ nào mà không biết, không lúc nào mà không biết.
Cái biết của bộ óc thì ngủ mê không biết, chết giấc không biết, chết rồi không biết; còn cái biết Phật tánh cùng khắp thời gian thì ngủ mê cũng biết, chết giấc vẫn biết, chết rồi cũng biết. Nếu chết rồi không biết thì có gián đoạn, không phải cùng khắp thời gian. Biết khắp không gian thì bao nhiêu tỷ chúng sanh nổi lên một niệm cũng biết, nếu không biết thì còn thiếu sót, không phải cái biết của Phật tánh.

Nhưng bây giờ cái gì cũng không biết, tất cả không biết gom lại một cái không biết; rồi nhìn chỗ không biết đó, xem chỗ không biết đó là cái gì; không cho suy nghĩ, nếu suy nghĩ là sai; chỉ giữ cái không biết, mà muốn biết chỗ không biết.