Khối nghi tình đến lúc nào bùng vỡ?

0
154

Hỏi: 
Khối nghi tình đến lúc nào bùng vỡ?

Đáp:
Khối nghi tình cuối cùng sẽ bùng vỡ tức là kiến tánh. Ví dụ đầu trên cây viết là thoại đầu, đầu dưới cây viết là thoại vỉ. Bắt đầu tham là từ thoại vỉ đến thoại đầu, khởi lên nghi tình là rời khỏi thoại vỉ, nhưng chưa đến thoại đầu, đang đi ở giữa đường. 

Một ngày kia đến thoại đầu (nguồn gốc của ý thức, Thiền tông gọi là đầu sào trăm thước, cũng là vô thỉ vô minh) thì đường đi ý thức đã hết, trước mắt không còn cái gì, chỉ có thanh thanh tịnh tịnh; ngoại đạo đi tới chỗ này cho là Niết bàn. Nhưng sự thật chưa phải, còn dính líu với ý thức. 
Cho nên, Thiền tông từ đầu sào trăm thước tiến lên một bước nữa mới rời khỏi ý thức. Rời khỏi ý thức, ngài Lai Quả nói là lọt vào hư không té xuống, té phải cho chết; chết rồi sống lại gọi là “tuyệt hậu tái tô”. Sống lại có 2 thứ: tiểu tử tiểu hoạt và đại tử đại hoạt.

Té xuống chết rồi sống lại nhưng còn cái xác, gọi là tiểu tử tiểu hoạt. Đại tử đại hoạt thì luôn cái xác cũng không còn, rồi sống lại gọi là đại tử đại hoạt. 
Đây là thí dụ, không phải xác thân này; tức là tiểu ngộ còn ôm cảnh giới ngộ cho mình đã ngộ, không buông cảnh giới ngộ. Do trụ cảnh giới ngộ nên bị chướng ngại, cái dụng không được dùng ra. 

Đại tử đại hoạt là cảnh giới ngộ cũng tan rã, Thiền tông gọi là ngộ rồi đồng như chưa ngộ. Vì có ngộ thì còn mê, tại sao? Có mê nên mới có ngộ. Đã ngộ rồi hết mê, hết mê phải hết ngộ.

Cái tay ví dụ Phật tánh của mình hoạt bát vạn năng, muốn lấy cây viết, cái máy, cái tách… đều được. Nếu trụ cây bút thì hoạt bát vạn năng bị mất, muốn lấy cái gì không được. Cho nên, tay trụ cây viết cần buông ra, khôi phục hoạt bát vạn năng của tay, muốn lấy cái gì cũng được. Đây là trụ nơi có làm chướng ngại cái dụng. Lại chấp trụ nơi không, tức trong tay không có gì thành chướng ngại, muốn lấy cái gì cũng không được. Vì vậy cái không phải quét để khôi phục hoạt bát vạn năng của tay. 

Cái dụng của tự tánh cũng vậy, nên Pháp Bảo Đàn nói “lấy vô trụ làm gốc”, kinh Duy Ma Cật nói “từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Nếu có sở trụ thì chướng ngại dụng của tự tánh. Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ đạo. Ưng vô sở trụ là bản thể của tự tánh, sanh kỳ tâm là hiển bày cái dụng. Nếu có sở trụ, mặc dù trụ nơi Niết bàn cũng quét (xa lìa điên đảo cứu kính Niết bàn), nếu còn trụ Niết bàn cũng là điên đảo mộng tưởng. Bản thể Phật tánh là bất nhị, nghĩa bất nhị là vô trụ. 
Tất cả tên gọi của Phật đều do cái dụng mà lập danh, như Phật tánh cùng khắp không gian không khứ lai, nên gọi là Như lai; Phật tánh cùng khắp thời gian không gián đoạn (không sanh diệt), nên gọi là Niết bàn. Vô trụ, Bát nhã, tánh không… đều như vậy. Tuy nói danh từ muôn ngàn sai biệt nhưng nghĩa không khác, chỉ muốn hiển bày cái dụng của Phật tánh. 

Phật Thích Ca muốn mỗi chúng sanh đều được tự ngộ, để hiển bày cái dụng của mình sẵn có từ lâu đời. Nếu cứ chôn vùi hoài rất uổng, Phật Thích Ca dạy thực hành Tổ sư thiền cho mọi người hiển bày cái dụng của mình sẵn có bằng như Phật. Cho nên, nói bình đẳng bất nhị là vậy.