Thế nào là phương pháp tự ngộ?

0
199

Hỏi: 
Thế nào là phương pháp tự ngộ?

Đáp:
Phật Thích Ca truyền pháp môn này là pháp thiền trực tiếp, không qua văn tự lời nói, nên gọi là giáo ngoại biệt truyền. Thiền này trực tiếp hiện ra tự tánh, Phật chỉ truyền 4 chữ là “từ nghi đến ngộ”, nghi là nhân, ngộ là quả. Tất cả không ở ngoài nhân quả, có nhân phải có quả. 

Thiền tông nói không có nhân thì không có quả, nên nói là bất nghi bất ngộ; nhân nhỏ quả nhỏ, nên nói tiểu nghi tiểu ngộ; nhân lớn quả lớn, nên nói đại nghi đại ngộ. Vậy nghi là gì? Nghi là không biết không hiểu, một việc gì đã hiểu đã biết thì hết nghi là không có tham thiền. Cho nên Thiền tông rất chú trọng cái nghi gọi là nghi tình.

Phật Thích Ca đã ngộ nhưng không thể nói cho mình biết, không có thể ngộ giùm cho mình. Vì nói được là không phải, tự tánh vô hình vô thanh; mà dùng văn tự của thế gian không thể diễn tả được, dùng bộ óc không thể suy nghĩ đến. Cho nên, Phật Thích Ca nói “49 năm thuyết pháp, chưa từng nói một chữ” là vậy. Bởi không thể dùng lời để nói, nên Phật Thích Ca chỉ dạy đường lối thực hành để mỗi mỗi chúng sanh đều được tự ngộ. Vì vậy, nói là phương pháp tự ngộ.

Như mình muốn no phải tự ăn, người nào có ăn được no; chứ chí thân như cha mẹ không thể ăn giùm cho con cái, con có hiếu cũng không thể ăn giùm cho cha mẹ; tức là ai ăn nấy no. Phật pháp cũng vậy, người nào tu thì người đó chứng; phương pháp thiền phải tự ngộ mới được. Phương pháp thực hành Tổ sư thiền rất dễ, theo kinh nghiệm của tôi dễ hơn Tịnh độ trăm ngàn lần. Trước kia tôi hoằng Tịnh độ mười mấy năm, chưa thấy người nào tu đúng  tông chỉ Tịnh độ.

Từ ngày mùng 2 tháng 4 năm 1977 hoằng Tổ sư thiền. Mặc dù, chưa có ai kiến tánh nhưng nhiều người phát trí huệ, Phật tử tham Tổ sư thiền nửa năm một năm có kiến giải cao hơn những người tu học Phật Học Viện mười mấy năm. Tại sao? Vì cái học cần phải ghi nhớ, còn tham thiền là phát hiện cái dụng của mình sẵn có. Phật Thích Ca nói “Phật tánh bình đẳng bất nhị”, Phật tánh của mọi chúng sanh đều bằng với Phật gọi là bình đẳng. Nếu kém hơn Phật một chút thì không bình đẳng, có cao có thấp là nhị. 

Tu pháp môn Tổ sư thiền hay pháp môn khác của Phật pháp cũng vậy, điều thứ nhất là tin tự tâm. Cái tin là cần nhất, như Tịnh độ có tín, nguyện, hành, tin có 3 thứ tin. Tin của Tổ sư thiền là tin tự tâm và phát khởi nghi tình. 
Nói sơ lược cách thực hành tham Tổ sư thiền: Trước đời nhà Tống của Trung Quốc không có  tham công án, tham thoại đầu, đến sau này những cơ xảo của Tồ sư ghi trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, những người tham biết thành ra cơ xảo của Tổ sư không thể dùng được, bất đắc dĩ mới dạy tham công án, tham thoại đầu.

Tham thoại đầu là nhờ câu thoại để khởi lên nghi tình, trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền có đề ra 5 câu thoại đầu: câu thứ nhất “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Bây giờ có trời có đất thì mình ở đây, còn khi chưa có trời đất, mình không biết; không biết đó là nghi tình. Hỏi câu thoại đầu cảm thấy không biết, thực hành rất đơn giản, chỉ cần giữ cái không biết. Giữ cái không biết đến khi thình lình bùng vỡ, gọi là kiến tánh thành Phật.
Có người hỏi tôi “suốt ngày giữ cái không biết thành người khờ ngốc sao làm việc?” Ban đầu tham thiền, khi làm việc phải ngưng tham; sau này tham thiền quen tự nhiên hiện ra cái dụng của tự tánh. 

Ở Việt Nam có Trương Quốc Anh làm thủ môn đội banh hãng bọt ngọt, lúc khởi lên nghi tình không thấy trái banh, nhưng trái banh nào cũng chụp được, nên trận đấu nào có y tham dự chắc chắn thắng. Bác sĩ Thuận trưởng ty y tế Rạch Giá theo tôi tham thiền, lái xe từ Rạch Giá đến Sài Gòn, lúc khởi lên nghi tình không thấy xe nhưng không đụng xe. Cô Thợ may Trì Hằng Thiền lúc khởi lên nghi tình, không qua bộ óc cũng cắt vải được.
Tôi ở Việt Nam có người hỏi “tôi rất thích tham Tổ sư thiền, nhưng ở trong lu gạo tôi hết gạo làm sao tham được?” Tôi dạy ông tham thiền, không phải của trời rớt xuống cho ông ăn! Ông làm nghề nào thì cứ làm nghề đó, lúc làm việc cũng tham, đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơn ngủ nghỉ, đi xe đi bộ… đều tham.

Ngài Lai Quả nói “nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình bao gồm tất cả giới định huệ, niệm Phật, tụng kinh, lục độ vạn hạnh cho đến công thương kỹ nghệ… đều ở trong đó”. Tại sao? Vì nghi tình là không biết, nếu giữ không biết thì không phạm giới là trì giới. Trong giới luật có 3 cấp trì giới, cấp thứ nhì gọi là thiền giới. Bộ óc không biết thì tất cả phiền não vọng tưởng không có, nên được thanh tịnh gọi là định, định này được lâu sẽ phát ra thần thông. 
Trí huệ của nhà Phật khác hơn trí huệ của thế gian, trí huệ của thế gian do bộ óc khởi tâm động niệm mới làm được. Trí huệ của Phật tánh là Bát nhã không cần qua bộ óc. Có sự thật cụ thể chứng tỏ giữ được cái không biết thì tất cả tụng kinh, niệm Phật, trì giới cho đến lục độ vạn hạnh, công thương kỹ nghệ thế gian đều ở trong đó, không có cái nào thiếu sót.

Bởi vì, bản thể Phật tánh cùng khắp không gian thời gian, cái dụng cũng cùng khắp không gian thời gian, gọi là Phật pháp vô biên. Pháp này thực hành rất giản dị, con nít 6, 7 tuổi cũng thực hành được, bà già 8, 9 chục tuổi cũng thực hành được; mà lại khỏi cần xuất gia cũng tu được. 
Lịch sử Thiền tông Trung Quốc: vua kiến tánh vẫn làm vua, thừa tướng kiến tánh vẫn làm thừa tướng, thượng thư kiến tánh vẫn làm thượng thư; cho đến bà già bán rong ngoài đường cũng được kiến tánh. Bất cứ làm nghề gì đều có thể kiến tánh, thông minh hay ngu si đều có thể kiến tánh.

Trong kinh nói người nữ có 5 thứ chướng, sự thật có 3 đứa bé gái kiến tánh (Long Nữ 8 tuổi, cô họ Trịnh 13 tuổi, cô họ Tô 15 tuổi). Theo giới luật nhà Phật, thực hành bát kỉnh, Tỳ kheo ni đảnh lễ Tỳ kheo; chứ không có Tỳ kheo đảnh lễ Tỳ kheo ni, nhưng Tỳ kheo ni kiến tánh thì Tỳ kheo đảnh lễ Tỳ kheo ni. Tất cả chướng do mình chấp thật mới có, nếu không chấp thật thì tất cả bình đẳng bất nhị.