Khi tâm đến với cảnh mà không sanh niệm dính mắc chấp trước, tức là được giải thoát?

0
155

Hỏi:
Tất cả các pháp gồm có 3 phần: thể, tướng, dụng. Thể là bản tánh của sự vật, tướng là hình tướng của sự vật, dụng là công dụng của sự vật. Thể là Phật tánh bất sanh bất diệt, tướng là hình thể có thay đổi, dụng là tùy theo tướng mà có. Tu là trở về với thể, tức là Phật tánh bất sanh bất diệt; muốn trở về phải phá những chấp trước của chấp ngã và chấp pháp, khi tâm đến với cảnh mà không sanh niệm dính mắc chấp trước, tức là được giải thoát. Kính xin Thầy cho biết sự hiểu biết của con có đúng hay sai?

Đáp:
Theo lời nói của Giáo môn thì đúng, nhưng Thiền môn thì khác. Bởi vì Thiền là giáo ngoại biệt truyền, không chia ra thể, tướng, dụng. Thể với dụng không khác, thể tức là dụng, dụng tức là thể. Giáo môn chia là tánh, tướng hay là thể, dụng; còn Thiền môn tất cả đều bất nhị.

 Giáo môn muốn cho người ta dễ hiểu, đáng lẽ Phật tánh cùng khắp không gian thời gian (vô lượng thọ, vô lượng quang), nhưng người ta khó hiểu khó tin, nên phải giảng theo sự tương đối ở thế gian, gọi bản thể của Phật tánh là tánh để thay mặt. 

Như nói: Phật tánh, Không tánh, Tự tánh, Thật tánh… đều là biệt danh của Phật tánh, cái nghĩa không khác. Nói tướng thì Phật có thuyết minh tư tưởng sai lầm của chúng sanh được chia làm 4 cấp ở trong kinh Kim Cang: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Nói chúng chung là “phàm sở hữu tướng đều là hư vọng”.

 Nhưng đến kiến tánh thì không phân biệt tánh với tướng, cho nên có một danh từ gọi là Thật tướng, cũng là biệt danh của Phật tánh. Nhưng chưa kiến tánh nên Giáo môn phân biệt tánh là tánh, tướng là tướng, thể là thể, dụng là dụng. Kiến tánh phát hiện bản thể cùng khắp không gian thời gian thì sự tương đối tự tiêu diệt, không còn sự phân biệt.