Thoại đầu và Tịnh độ kết hợp

0
181

Hỏi:
Sự khác biệt giữa pháp môn tham thoại đầu và Tịnh độ? Và có thể kết hợp hai pháp môn này để tu được không?

Đáp:
Pháp thực hành của tham thoại đầu phải nghi, còn pháp Tịnh độ cần phải tin; hai cái nghịch với nhau. Nghi có dấu hỏi, nghi là nhân, ngộ là quả. Đường lối thực hành Tịnh độ không có nghi, chỉ thực hành đến chỗ bất thối (không lui sụt); nhưng phải thực hành đúng theo tông chỉ của Tịnh độ mới được. Trước kia, tôi hoằng dương Tịnh độ được mười mấy năm, nhưng chưa gặp một người nào tu đúng theo tông chỉ Tịnh độ.

Tông chỉ của Tịnh độ là gì? Là tín, nguyện, hành. Tín có thứ 3 tin, có 2 thứ nguyện (đại nguyện và tiểu nguyện), 2 thứ hành (nhứt tâm niệm Phật và tán tâm niệm Phật). Tôi giảng đường lối thực hành của Tịnh độ rất kỹ, rõ ràng. Sao gọi là 3 thứ tin? Sao gọi là 3 thứ nguyện? Sao gọi là 2 thứ hành? Thực hành thế nào đến chỗ nhứt tâm bất loạn, đến chỗ không niệm mà niệm, niệm mà chẳng niệm, từ bước từ bước.

Tôi hỏi những người dạy Tịnh độ và người tu Tịnh độ: ba tông chỉ của Tịnh độ là gì? Nhiều người không trả lời được. Đó cũng không lạ gì! Tại sao? Như Thiền tông truyền đến Việt Nam có tổ Liễu Quán, tổ Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam. Tịnh độ có Tổ nào truyền từ Trung Quốc qua Việt Nam không? Những người tu Tịnh độ đều không biết.
Sơ tổ của Tịnh độ là người Trung Quốc đời nhà Tấn ở Trung Quốc sáng lập tông Tịnh độ. Không có Tổ nào từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam, vậy có Tổ nào ở Việt Nam sáng lập tông Tịnh độ không? Hỏi người nào cũng không biết, nên mỗi người coi sách tu theo ý của mình cho ăn chay, tụng kinh là Tịnh độ; chứ không biết đường lối thực hành tông chỉ của Tịnh độ, thành ra không có một người nào được thành tựu vãng sanh.
Nhiều người nói biết ngày giờ chết là vãng sanh, nhưng sự thật nhiều người không có niệm Phật cũng biết ngày giờ chết. Người được sanh cõi người có thể biết ngày giờ chết, người sanh cõi trời cũng có thể biết ngày giờ chết; nhưng không phải vãng sanh Cực Lạc. Nếu lấy cái đó để làm bằng chứng không đúng.

Bởi vì không tu đúng theo tông chỉ Tịnh độ, nên khó thành tựu. Theo kinh nghiệm của tôi hoằng dương Tịnh độ mười mấy năm biết là Tịnh độ khó hơn Tổ sư thiền cả trăm ngàn lần. Cái khó là tại chỗ nào? Khó là chỗ phát đại nguyện mà không thực hành đại nguyện của mình phát.

Sơ lược 2 thứ nguyện: tiểu nguyện và đại nguyện.

Phát tiểu nguyện chỉ cho mình được vãng sanh thì không hợp với nhân quả. Thiện quả được phước báo, sanh cõi người được giàu sang phú quý. Tự mình hỏi mình từ nhỏ đến lớn có giết chết một con kiến không? Có giết chết một con muỗi không? Có ăn thịt gà thịt heo không? Nếu có phải đầu thai trả lại. Vậy làm sao được vãng sanh? Vì vãng sanh không có chết nữa, là không hợp với nhân quả. Cho nên, tiểu nguyện không được vãng sanh.
Phải phát đại nguyện, đại nguyện không phải một mình được vãng sanh. Làm tất cả phước thiện đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh được vãng sanh. Hai chữ hồi hướng mà người ta cũng hiểu lầm. Hồi hướng là phá ngã chấp, trong Giáo môn hết Thập hồi hướng thì lên bực Bồ tát.
Bây giờ, người ta dùng hồi hướng tăng thêm ngã chấp, tức tất cả là công đức của tôi; tôi thương người này hồi hướng cho người này, tôi thương người kia hồi hướng cho người kia là theo ngã chấp; không phải tất cả công đức của tôi hồi hướng cho tất cả chúng sanh, tôi chỉ là một trong chúng sanh.
Đó mới là đại nguyện, tức tất cả chúng sanh bình đẳng; tôi được vãng sanh thì tất cả chúng sanh đều được vãng sanh. Những người nợ thịt nợ mạng mà tôi ăn lúc trước đều cùng tôi được vãng sanh. Nếu những người ấy không được vãng sanh thì tôi thành Phật trở lại độ họ. Nhưng đối với tất cả chúng sanh phải bình đẳng mới là thực hành đại nguyện của mình phát. Nếu chỉ miệng nói tâm nghĩ gọi là nguyện suông nguyện giả, vậy làm sao được vãng sanh?
Muốn thực hành đại nguyện của mình phát không phải dễ! Đừng nói mình đối với người bình đẳng, mình đối với súc sanh, đối với con chó, con chuột, con mèo… mình có coi là bình đẳng hay không? Đây thực hành rất khó. Nếu không thực hành đại nguyện của mình phát là nguyện suông nguyện giả không được vãng sanh.

Như mình không có tiền để trả nợ, nhưng trương mục ngân hàng của mình không có tiền, mình ký ngân phiếu là ba bốn năm sau trả; mỗi ngày mình phải nạp vô ngân hàng, người ta sau này mới nhận được. Nếu mình chỉ nói suông, ký ngân phiếu cho người là gạt người phải bị ở tù.

Người ta không hiều chỗ khó của Tịnh độ, cho niệm Phật là nhờ tha lực mà được vãng sanh. Tất cả pháp môn nào đều phải nhờ tự lực và tha lực; Thiền tông cũng nhờ tha lực và tự lực, chứ không không phải chỉ nhờ tự lực mà được.
Phật nói nhân duyên, tự lực là nhân, tha lực là duyên. Như hạt lúa là nhân, sanh ra cây lúa là quả. Nếu để hạt lúa trong vựa một trăm năm vẫn là hạt lúa, không thể sanh ra cây lúa; phải có người lấy ra ngoài bỏ trên đất tưới nước rồi mọc lên cây lúa.

Nhân công và đất đều là trợ duyên, nên nói là nhân duyên hòa hợp được thành tựu. Không có nhân mà có duyên, như không có hạt lúa làm sao sanh ra cây lúa! Phải có hạt lúa, nhân công, đất, nước mới sanh ra cây lúa.
Pháp môn nào cũng vậy, trong Phật pháp gọi là nhân duyên; có nhân phải có duyên, có duyên phải có nhân; nhân duyên hòa hợp được sanh khởi. Thường thường người tu Tịnh độ nói nhờ tha lực được vãng sanh, chỉ biết như vậy, thành ra khó thành tựu.