Hỏi:
Tôn giáo dựa nơi lòng tin, Thiền học dựa trên nghi tình để đến thoại đầu. Xin Thiền sư khai thị?
Đáp:
Vừa rồi tôi đã nói 2 cơ bản tham thiền, tại sao nói không có tin! Chữ tin là mẹ tất cả công đức, tham thiền cũng vậy, phải tin tự tâm mới phát hiện được tự tâm. Còn nghi tình chỉ là phương pháp tạm thời, nhờ nghi tình để đưa mình đến chỗ giác ngộ. Như chiếc bè qua sông, đến bờ phải bỏ bè; nếu đến bờ còn vác chiếc bè đi chơi thì không thể được.
Hỏi:
Thế nào gọi là tánh không?
Đáp:
Tánh không là biệt danh của tự tánh, thường thường người đời hiểu lầm 2 chữ “tánh không”; cho rằng tiêu diệt cái có mới thành không, sự thật không phải như vậy. Nếu trụ nơi có chẳng được gọi tánh không, tức là không chấp thật có là tánh không, không chấp thật không là tánh không, không chấp thật chơn là tánh không, không chấp thật giả là tánh không.
Như thế lìa tứ cú, không trụ nơi tứ cú, gọi là tánh không. Tứ cú không phải có đối với không, như nói đối với nín: nói là cú thứ nhất, nín là cú thứ nhì, chẳng nói chẳng nín là cú thứ ba, cũng nói cũng nín là cú thứ tư. Không lọt vào cú nào gọi là tánh không.