Thiền thoại đầu có thời nào?

0
198

Hỏi:
Thiền thoại đầu do Trung Hoa sáng lập hay đã có từ thời đức Phật ở Ấn Độ?

Đáp:
Phật ở Ấn Độ truyền từ nghi đến ngộ, cái nghi đó không phải tham thoại đầu mới có nghi. Trước đời nhà Tống ở Trung Quốc không có tham công án, tham thoại đầu. Chư Tổ dùng cơ xảo đặc biệt để cho người tham thiền phát khởi nghi tình. Phật giáo Việt Nam đều là dòng Lâm Tế, tổ Lâm Tế tên là Thiền sư Nghĩa Huyền. 

Ban đầu Ngài ở trong hội Hoàng Bá, Hoàng Bá là thầy truyền pháp của Lâm Tế. Ở đó 3 năm chuyên tham thiền không hỏi pháp, có một ngày Ngài gặp Thủ tọa Mộc Châu. Mộc Châu biết Lâm Tế sau này là một pháp khí lớn, nên ngày thường Mộc Châu đối với Lâm Tế rất tốt, Lâm Tế lấy làm cảm kích.
Mộc Châu hỏi: đến đây bao lâu rồi?

Lâm Tế đáp: được 3 năm.
Mộc Châu hỏi: có đi hỏi Phật pháp với Hòa thượng Hoàng Bá không?
Lâm Tế đáp: không có.
Mộc Châu hỏi: tại sao không đi hỏi?
Lâm Tế đáp: không biết hỏi gì.
Mộc châu nói: hỏi “thế nào là đại ý của Phật pháp?”
Lâm Tế nghe lời đi hỏi: thế nào là đại ý của Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt, Hoàng Bá đánh đập đuổi ra.
Lúc bị đánh đập đuổi ra là phát khởi nghi tình, nhưng tự mình không biết. Trong tâm cứ nghi tại sao tôi hỏi Phật pháp có lỗi gì, mà đánh đập đuổi ra? 
Hôm sau gặp Mộc Châu, Mộc Châu hỏi: có đi hỏi không?
Lâm Tế đáp: có.
Mộc Châu hỏi: tại sao vậy?
Lâm Tế đáp: tôi vừa hỏi thì bị đánh đập đuổi ra, không biết tại sao?
Mộc Châu nói: nên đi hỏi lần nữa.
Lâm Tế nói: bị đánh đập đuổi ra, còn đi hỏi gì nữa!
Mộc Châu nói: kỳ này lại khác.
Lâm Tế hỏi: thế nào là đại ý của Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt thì Hoàng Bá đánh đập đuổi ra, nghi tình tăng thêm nhưng tự mình không biết.
Hôm sau nữa gặp Mộc Châu hỏi: có đi hỏi không? 
Lâm Tế đáp: có.
Mộc Châu hỏi: thế nào?
Lâm Tế đáp: kỳ này giống như kỳ trước là bị đánh đập đuổi ra, cũng không biết tại sao?
Mộc Châu nói: hãy hỏi lần nữa!
Lâm Tế nói: thôi, còn hỏi gì nữa, đã hai lần bị đánh đập đuổi ra.
Mộc Châu nói: làm cái gì phải ba lần mới được, kỳ này chắc là đặc biệt.
Lâm Tế hỏi: thế nào là đại ý Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt, Hoàng Bá giận dữ đánh mạnh đuổi ra.
Lâm Tế không đợi gặp Mộc Châu, mà tự mình đến gặp Mộc Châu để từ giả “tôi không muốn ở đây nữa”, lúc đó nghi tình muốn bùng vỡ. 
Mộc Châu đã biết và nói: muốn đi cũng được, nhưng phải từ giả Hòa thượng.
Lâm Tế đến Hoàng Bá từ giả ra đi.
Hoàng Bá nói: muốn đi đâu?
Lâm Tế đáp: chưa biết.
Hoàng Bá nói: khỏi cần đi chỗ khác, tôi chỉ cho: đến Cao An Thăng là chỗ ở Thiền sư Đại Ngu sẽ có ích cho ông.
Lâm Tế đến Đại Ngu. Đại Ngu hỏi: từ đâu đến?
Lâm Tế đáp: từ Hoàng Bá.
Đại Ngu hỏi: Hoàng Bá có dạy bảo gì chăng?
Lâm Tế kể ba lần hỏi Phật pháp, ba lần bị đánh đập đuổi ra, không biết lỗi ở chỗ nào?
Đại Ngu nói: Hoàng Bá vì ngươi mà từ bi như thế, lại hỏi lỗi chỗ nào!
Lâm Tế nghe liền ngộ thấu qua ba cửa, tức là phá luôn Mạc hậu lao quan.
Lâm Tế lập tức trở về Hoàng Bá, Hoàng Bá nói: đi đâu về mau vậy?
Lâm Tế đáp: ở Đại Ngu.
Hoàng Bá hỏi: Đại Ngu có nói gì không?
Lâm Tế kể chuyện Đại Ngu, Hoàng Bá nói: Đại Ngu sao nhiều chuyện quá! Sau này tôi gặp sẽ cho bạt tai.
Lâm Tế nói: khỏi cần đợi sau này.

Lâm Tế liền bạt tai Hoàng Bá, Hoàng Bá cười lên. Tại sao? Vì được một đệ tử để nối huệ mạng của Phật. Đó là cơ xảo của Tổ sư, lúc đó không dạy tham thoại đầu. Đánh đập mạnh làm cho người tham học phát nghi mà tự mình không biết, gọi là vô tham hay chân tham. Ngài Lai Quả nói “vô tham tức là chân tham”, vô tham không phải không tham, lúc tham thiền mà không biết mình tham, gọi là chân tham. Mặc dù, không biết các thứ khác, mà còn biết mình tham thiền, không phải chân tham. 

Bây giờ, tham thiền đến chân tham trải qua nhiều năm là do tham công án hay tham thoại đầu. Tham công án hay tham thoại đầu có sau này, vì cuốn sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục phổ biến; trong cuốn sách nói rõ các cơ xảo của các Tổ sư, người tham thiền đọc hiểu; Chư Tổ dùng cơ xảo cho người tham thiền không phát nghi được.

Thầy của Sùng Tín là Đạo Ngộ, Sùng Tín làm thị giả cho thầy đã mấy năm, thầy không có dạy bảo gì, ở trong tâm đã khởi nghi tình nhưng tự mình không biết. Một ngày kia, nghi tình nặng quá nên chịu không nổi, rồi từ giả thầy nói “con muốn đi chỗ khác học đạo, đi xuất gia là để giải thoát, mà ở đây mấy năm không thấy thầy dạy đạo, làm sao con giải thoát?”
Đạo Ngộ nói: tại sao nói tôi không khai thị? Ngày nào tôi cũng khai thị, mà nói tôi không khai thị!
Sùng Tín nói: Thầy khai thị gì đâu?
Đạo Ngộ nói: ngươi bới cơm thì ta ăn, rót trà thì ta uống, đảnh lễ thì ta gật đầu, chỗ nào mà chẳng khai thị!
Sùng Tín nghe liền ngộ triệt để.
Không khai thị cũng là một cơ xảo, chỉ cần người tham thiền khởi lên nghi tình. Có nghi là được ngộ. Trước kia mình tham nhưng không biết mình tham, nên mới mau ngộ; sau này những chuyện này đã ghi trong Truyền Đăng Lục, người tham thiền coi rồi, thầy có dùng cơ xảo cũng không có thể phát nghi được. Vì vậy, bất đắc dĩ dạy tham công án, tham thoại đầu. Bây giờ, người tham thiển đã biết mình tham phải trải qua nhiều năm mới được ngộ.
Ngài Lai Quả xuất gia 24 tuổi, 28 tuổi kiến tánh; còn ngài Hư Vân phải trải qua mấy mươi năm mới được ngộ. Hiện nay, mình tham thiền đã biết mình tham thiền nên khó ngộ, người ngộ lại ít. Tuy ít người ngộ nhưng mỗi đời đều có người ngộ, như gần đây có ngài Nguyệt Khê, ngài Lai Quả, ngài Hư Vân; còn những người ngộ, mà không biết cũng nhiều.