XIN CHO BIẾT VỀ CÁC CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA PHẬT GIÁO Ở SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỚC NAY

0
172

Giai đoạn 1954 – 1975 là giai đoạn có sự “bùng nổ” sách báo, tạp chí Phật giáo. Có một số tạp chí nổi tiếng là:

Tịnh Độ tạp chí xuất bản năm 1955 của Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam.

– Đặc san Thiện Chí, xuất bản năm 1955, của Đoàn Thanh niên Phật tử Thiện Chí.

Tạp chí Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1956 của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

– Tuần báo Hải Triều Âm xuất bản năm 1964 nhưng sau đó bị đình bản. Năm 1973 tái bản nguyệt san, ra 2 tháng một số.

– Tuần báo Thiện Mỹ xuất bản năm 1964, do TT. Nhất Hạnh chủ trương.

– Nguyệt san Vạn Hạnh xuất bản năm 1965, do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm chủ bút.

– Nguyệt san Giữ thơm quê mẹ xuất bản năm 1965, do Lá Bối xuất bản.

– Tuần san Đại Từ Bi xuất bản năm 1966 của Nha Tuyên úy Phật giáo.

– Bán nguyệt san An Lạc xuất bản năm 1966 do tăng sinh chùa Quán Thế Âm.

– Tạp chí Tư tưởng xuất bản năm 1967, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh.

– Đặc san Xuân Thanh Bình của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, xuất bản năm 1970 do Hòa thượng Thích Minh Đức làm Chủ nhiệm.

– Nguyệt san Bát Nhã xuất bản năm 1972, của Tổng Vụ Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đặc san Hoằng Pháp xuất bản năm 1974, do Thích Huyền Vi làm Chủ nhiệm.

– Nội san Thuyền Sen xuất bản năm 1973 do ni sư Thích nữ Huỳnh Liên chủ trương.

Từ sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Phật giáo đã đẩy mạnh việc xuất bản nhiều tạp chí, báo để nâng cao nhận thức Phật học cho người Phật tử và để truyền bá rộng rãi giáo pháp nhà Phật.

Nhiều tạp chí đã ra mắt bạn đọc trong cả nước, cũng như được đưa ra phổ biến ở nước ngoài. Có thể nhận thấy, có số tạp chí, tuy do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản nhưng cũng được lưu hành rộng rãi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể kể tên một số tạp chí đang được lưu hành như:

– Tạp chí Nghiên cứu Phật học, do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản, đã ra đời đến năm thứ 16, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ làm Tổng biên tập.

– Nguyệt san Giác ngộ, vốn là phụ trang Nghiên cứu Phật học của báo Giác ngộ. Tính đến đầu năm 2006, đã ra đến số 118, do Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Tổng biên tập.

– Tạp chí Văn hóa Phật giáo, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do ông Võ Đình Cường làm Tổng biên tập. Tính đến đầu năm 2006 đã xuất bản được 12 số.