CHÙA NÀO LÀ TRUNG TÂM CỦA PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở SÀI GÒN?

0
159

Chùa Linh Sơn (quận 1) là trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo, không chỉ của Sài Gòn trước đây, mà còn là trụ sở của hội Phật giáo đầu tiên trong cả nước. Vị tổ mở đầu phong trào là Hòa thượng Khánh Hòa. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Hòa thượng đã thao thức vì sự suy đồi của Phật giáo, nên đã lập nhiều lớp dạy học tại các chùa ở Bến Tre, Châu Đốc, Bạc Liêu… Năm 1920, tổ chức “Lục Hòa liên xã” ra đời tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), tạo điều kiện cho chư tăng gặp gỡ, trao đổi, bàn việc đoàn kết lại để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo. Cùng với Hòa thượng Khánh Hòa, còn có các Hòa thượng Khánh Anh, Huệ Quang, Từ Phong… và tăng sĩ trẻ Thiện Chiếu, cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động tại chùa Linh Sơn, nhằm khơi dậy và làm sống lại một Phật giáo chánh tín, mang âm hưởng dân tộc và trên hết là phát huy tinh thần yêu nước cho tăng sĩ, Phật tử trong giai đoạn có Pháp xâm lược. Chấn hưng Phật giáo nhằm vào ba mục tiêu chính là chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, chuyển kinh sách từ Hán ra Việt ngữ và lưu giữ trong các Pháp bảo phương (thư viện).

Thiện Chiếu quan niệm chấn hưng là làm cho tăng ni có trình độ Phật học (nội điển), xã hội học (ngoại điển), thông suốt ngũ minh (y phương minh, nội minh, thanh minh, công xảo minh, nhân minh).

Trước cổng chùa Linh Sơn treo hai câu đối của Thiện Chiếu, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam Phật pháp thị nhập thế, nhi phi yếm thế. Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh. (Đạo Phật là đạo nhập thế chứ không phải yếm thế. Từ bi là sát sinh một người để cứu muôn người.)

Năm 1931, Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội là hội Phật học đầu tiên cả nước được thành lập tại chùa. Cơ quan ngôn luận là tờ Pháp âm, nhưng chỉ ra được một số duy nhất thì bị Pháp ra lệnh đình chỉ. Từ tinh thần chấn hưng tại chùa Linh Sơn, sau đó lan rộng ra các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.