AN CƯ KIẾT HẠ LÀ GÌ? AN CƯ KIẾT HẠ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY CÓ KHÁC GÌ VỚI NHỮNG THẾ KỶ TRƯỚC?

0
199

An cư kiết hạ, tiếng Phạn gọi là Varsavasana, nghĩa đen là ở yên một chỗ. Phong tục này xuất phát từ Ấn Độ, vì mỗi năm vào mùa mưa, nước lũ dâng, sự đi lại giáo hóa, truyền đạo có khó khăn, khất thực không thuận tiện. Mặt khác, sự đi lại trong lúc này còn ảnh hưởng đến sự sống của nhiều loài côn trùng, nên Phật cùng các đệ tử tụ tập lại một nơi để chuyên việc tu hành trong ba tháng từ ngày 16.4 đến 15.7, gọi là “Vũ kỳ an cư”. Sự yên ở trong ba tháng mùa hạ này của các vị xuất gia được gọi là “An cư kiết hạ”.

An cư kiết hạ đầu tiên ở Nam Bộ được tổ chức tại Gia Định với trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời bấy giờ là chùa Giác Lâm, vào năm 1844, đời vua Thiệu Trị, do tổ Hải Tịnh khai mở. Quy mô tổ chức an cư kiết hạ lớn, tập họp nhiều tăng sĩ, mang tính chất tu học và đào tạo tăng tài nên còn có tên gọi là trường hương.

Hiện nay, an cư kiết hạ ở Thành phố Hồ Chí Minh có đổi mới, tuy thời gian tổ chức vẫn theo truyền thống cũ, nhưng ngày càng được tổ chức chu đáo, có nội dung sinh hoạt sát hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Các chuyên đề học tập ngày càng phong phú, nhằm cung cấp kiến thức cho tăng sĩ được nâng cao cả phần đạo lẫn phần đời. Bên cạnh việc tổ chức những buổi thuyết giảng giáo lý do nhiều cao tăng phụ trách, còn có những buổi báo cáo về tình hình thời sự, chính sách của nhà nước về tôn giáo…