TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG ĂN CHAY HAY ĂN MẶN?

0
1784

Do quan niệm của hai hệ phái Bắc tông và Nam tông có khác biệt, hệ phái Bắc tông chủ trương phải thay đổi cung cách sinh hoạt theo thời thế, theo từng giai đoạn lịch sử, không bảo thủ, chấp chặt những gì đã có nguyên mẫu từ thời đức Phật còn tại thế, trong khi hệ phái Nam tông lưu giữ lại nguyên mẫu những gì đã có từ thời đức Phật, nên trong sinh hoạt, hai hệ phái cũng có sự khác biệt.

Hệ phái Nam tông theo chủ trương trong thời đức Phật còn tại thế, thực hành hạnh trì bình khất thực, đi nhiễu quanh làng xóm, mọi người cúng dường thức gì thì ăn thức nấy, nên không phân biệt thức ăn chay hay mặn. Vì vậy, tu sĩ Phật giáo Nam tông không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông, mà được phép dùng mặn theo luật “Tam Tịnh nhục”, có nghĩa là thực phẩm mặn phải hợp thời, không thấy, không nghi và không nghe (thấy) sinh vật bị giết hại vì mình. Luật này được ghi chép trong Luật tạng Nam tông.

Chư tăng Nam tông chỉ dùng Ngọ (dùng ngày một buổi), không ăn sau 12 giờ trưa. Thường tu sĩ Nam tông ăn cháo vào buổi sáng, trưa dùng ngọ, chiều có thể uống sữa hoặc nước cháo, hoặc nước trái cây… Trong khi tu sĩ theo hệ phái Bắc tông dùng trường chay, chỉ dùng thực vật như rau, củ… không ăn những thức ăn động vật, có máu… do quan niệm động vật có máu nên cũng biết khổ, biết đau đớn khi bị giết hại. Và như vậy, người ăn sẽ phạm vào giới luật sát sinh.

Phật giáo Việt Nam có hệ phái Nam tông cũng áp dụng theo luật Tam Tịnh nhục này và ăn mặn. Hệ phái này có cả trong hai cộng đồng người Kinh và người Khmer. Những ngôi chùa Khmer và chùa của người Việt theo hệ phái Nam tông ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở đồng bằng sông Cửu Long, trước kia đều có tu sĩ đi khất thực mỗi ngày, ăn thức ăn mặn do Phật tử cúng dường. Sau năm 1975, đặc biệt là vài năm gần đây, tu sĩ thuộc hệ phái này không còn đi khất thực nữa, họ đã tự túc lương thực tại chùa bằng cách tham gia sản xuất, trồng thêm rau màu và cây ăn trái.