XIN CHO BIẾT VỀ BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA HIỆP TỔNG TRẤN GIA ĐỊNH THÀNH TRỊNH HOÀI ĐỨC GỬI CHO THIỀN SƯ VIÊN QUANG CHÙA GIÁC LÂM

0
182

Thiền sư Viên Quang về trụ trì chùa Giác Lâm ở Gia Định từ năm 1774. Thuở nhỏ, ông cùng với Trịnh Hoài Đức có dịp gặp gỡ trên chùa Đại Giác (Biên Hòa). Thời gian Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng Trần Gia Định thành, ông gặp lại Thiền sư Viên Quang trước cổng chùa Giác Lâm. Sau bốn mươi năm thế sự thay đổi, Trịnh Hoài Đức làm bài thơ ngũ ngôn cổ điệu tặng Hòa thượng Viên Quang. Bài thơ cho thấy sự hưng thịnh của Phật giáo thời bấy giờ, trình độ tu học của Thiền sư Viên Quang và của Trịnh Hoài Đức. Bài thơ được viết bằng chữ Hán, gồm 22 câu, được nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Ức tích thái bình thì

Lộc động phương thịnh mỹ

Thích Ca giáo hưng sùng

Lâm ngoại tổ phú quý.

Ngã vi thiêu hương đồng

Sư tác trì giới sĩ

Tuy ngoại phân thanh hoàng

Nhược mặc khế tâm chí

Phong trần thức lương bằng

Thế giới nhập ngạ quỷ

Bình ngạnh nhiệm phù trầm

Bào ảnh đảng sinh tử

Yểm tứ thập dư niên

Hoảng thuấn tức gian sự

Tây giao thích hành hành

Sơn môn ngẫu tương trị

Ngã Hiệp Biện trấn công

Sư Đại hòa thượng vị

Chấp thủ nghĩ mộng hồn

Đàm tâm tạp kinh quý

Vãng sự hà túc luân

Đại đạo hợp như thị

Tạm dịch:

Nhớ thuở thái bình xưa

Đồng Nai vừa thịnh mỹ

Đạo Thích được tôn sùng

Nhà ngoại còn phú quý

Ta làm trẻ dâng hương

Sư là người giữ giới

Áo tuy chia xanh vàng,

Lòng vẫn chung ý khí

Bạn giỏi xót phong trần

Quỷ đói ngập thế giới

Bọt nước chuyện mất còn

Bèo hoang phận chìm nổi

Trải hơn bốn mươi năm

Mà như không mấy đỗi

Đồng tây rảnh dạo quanh

Cửa núi chợt gặp lại

Ta Hiệp trấn thành này

Sư hòa thượng ngôi ấy

Cầm tay tựa mơ mòng

Mở lòng còn run rẩy

Chuyện xưa nói làm gì

Đạo lớn thảy như vậy.

Bài thơ này đã được Nguyễn Lang đăng trong Việt Nam Phật giáo sử luận. Sau đó, Cao Tự Thanh giới thiệu bài thơ này trên tập Văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1999, Trần Hồng Liên đăng nguyên văn phần phiên âm và dịch nghĩa của Cao Tự Thanh trong sách Chùa Giác Lâm, di tích lịch sử – văn hóa, năm 2005.

Phạm Văn Thành viết bài phân tích về bài thơ này, đăng trong sách Nam Bộ Đất và Người tập III. Bài viết cung cấp một nhận định mới về quan hệ giữa Viên Quang và Trịnh Hoài Đức. Qua các cứ liệu về năm tháng và cách xưng hô trong bài thơ, tác giả cho rằng Trịnh Hoài Đức là đệ tử của Thiền sư Viên Quang, chứ không phải là bạn bè như các tư liệu đã công bố trước đây.