XIN CHO BIẾT VỀ CÁC KIỂU TƯỢNG QUÁN THẾ ÂM THƯỜNG ĐẶT THỜ TRONG NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO BẮC TÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

0
186

Quan Âm là tên gọi tắt của Quán Thế Âm bồ tát. Tiếng Phạn gọi là Avalokitesvara. Theo một số ý kiến, thì Quan và Quán có khác nhau. Quan chỉ có nghĩa là xem xét, còn Quán có ý nghĩa rộng rãi hơn, là xem xét một cách thấu đáo, không chỉ nhìn sự vật bên ngoài mà còn thấu hiểu ý nghĩa bên trong của sự vật/ sự việc đó. Còn có một số tên gọi khác như Quán Tự Tại bồ tát, Quán Thế Tự Tại bồ tát và Quán Thế Âm Tự Tại bồ tát…

Trong các ngôi chùa Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh thường đặt thờ một số kiểu loại tượng Quan Âm có tên gọi như: Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập Nhất Diện Quan Âm…

Quan Âm Nam Hải thường được đặt thờ phía trước chùa, tượng được tạc trong tư thế đứng trên một hồ nhỏ, tay trong tư thế ấn quyết, hoặc một tay cầm bình tịnh thủy, một tay cầm nhành dương liễu, đang ban rải nước cam lồ cho người đau ốm, khốn khổ…

Quan Âm Thị Kính, còn gọi Quan Âm tống tử tạc Quan Âm tư thế đứng tay bồng một đứa trẻ. Có khi trên vai Bà có con chim đậu. Hình tượng này muốn nói lên hạnh nhẫn nhục của Quan Âm.

Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Quan Âm trong tư thế tay kết ấn Chuẩn Đề. Chuẩn Đề là phép tu quan trọng trong Mật tông. Chuẩn Đề là chân ngôn bao gồm tất cả các chân ngôn và các chú. Đây là chú đứng đầu vạn pháp. Tượng này được tạc có nhiều tay, 4, 6, 8, hoặc 12, 18 tay. Thông thường tượng Chuẩn Đề cũng vẽ con mắt thứ ba, đặt đứng trên trán. Các tay đều cầm vật bửu bối để hàng ma và có dây thần thông quấn quanh tay.

Tượng Quan Âm Nam Hải

Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn: tượng được tạc trong tư thế có 1.000 con mắt phía sau tượng, làm nền cho tượng, như vòng hào quang bao quanh, và 1.000 cánh tay giơ ra.

Thiên nhãn để thấy khắp thế gian và thiên thủ để ra tay cứu vớt chúng sinh.

Thập Nhất Diện Quan Âm… được tạc trong tư thế có nhiều đầu ở khắp các phía, để có thể thấy cùng khắp mà cứu giúp.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay