XIN CHO BIẾT VỀ ĐẶC TRƯNG VÀ Ý NGHĨA CỦA BỘ SÁM BÀI TRONG CÁC NGÔI CHÙA CỔ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

0
173

Sám bài là bài vị dùng trong việc bái sám, cúng kiếng. Ở Nam Bộ, từ những ngày di dân miền Trung vào đây mở đất, nghi thức cúng kiếng buổi đầu có hạn chế. Hành trang mang theo của các Thiền sư chỉ là một cái đãy nhỏ. Khi vào vùng đất mới, do nhu cầu cầu an cho người sống và cầu siêu cho người chết mà bộ sám bài ra đời.

Vốn là những người dân cùng khổ, phiêu tán, hơn ai hết di dân đang cần sự cứu độ, hướng về tha lực, cần có được niềm an ủi về mặt tinh thần. Tình cảm xa quê cách tổ, nỗi nhớ thương người thân thuộc, sự mong ước được an lành khi bệnh tật, đau ốm và được siêu thoát khi qua đời… đã làm cho hình ảnh của Quan Thế Âm bồ tát, của A Di Đà Phật, của Đại Thế Chí bồ tát… biểu tượng của lòng từ bi, tha lực, trở thành hình ảnh chủ yếu mà người dân có tín ngưỡng Nam Bộ cần đến. Nhưng một mặt khác, quan trọng hơn, vì vốn là những người cùng khổ, điều kiện sống phải đấu tranh với thiên nhiên, với những bất công trong xã hội quanh mình buộc họ phải có một ý chí mãnh liệt, một tinh thần dũng cảm, bất khuất, kiên cường. Trong chiều hướng đó, người dân có đạo đã tha thiết hướng về những vị bồ tát mang hạnh nguyện tiêu biểu cho tinh thần tự cường, tự lực. Đó chính là hình ảnh của Thích Ca Mâu Ni Phật, của Văn Thù Sư Lợi và của Phổ Hiền bồ tát.

Vì vậy, cư dân Nam Bộ đã hướng về hình ảnh của năm vị trong bộ sám bài gồm: Thích Ca Mâu Ni Phật (còn được quan niệm là Phật A Di Đà khi cúng cầu siêu) được đặt giữa và hai bên là bốn vị bồ tát: Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù và Phổ Hiền.

Bộ sám bài, do chức năng thường được sử dụng khi cúng tại nhà Phật tử, nên được tạc chạm nổi phù điêu các vị Phật và bồ tát này, cùng với một chân dựng, để khi đến cúng sẽ đặt sám bài vào.

Theo thời gian, khi cuộc sống cư dân vùng đất mới đã dần được ổn định, bộ bài sám năm vị này đã được tạc thành tượng, gọi là bộ tượng năm vị, có người còn gọi là bộ Ngũ Hiền.