Chùa Sắc tứ Kim Chương là một trong những ngôi chùa cổ có mặt sớm ở Gia Định. Chùa được thành lập năm 1755 do một du tăng ở Quy Nhơn đến miền Nam dựng chùa trong quá trình di dân vào vùng đất mới.
Vào những năm 1858 – 1866, khi Pháp xâm lược các tỉnh Nam Kỳ, chùa Kim Chương cùng chịu chung số phận với một số ngôi chùa khác như Khải Tường, Cây Mai, Kiểng Phước… Chùa bị phá hủy, chư tăng ly tán, một số tượng Phật và bài vị Tổ được đưa về chùa Hội Thọ (Tiền Giang).
Chùa Hội Thọ do Hòa thượng Minh Giác và đệ tử là Thiệu Long lập sau khi đã theo quân đồn điền rút về Mỹ Thiện (Cái Bè) để tham gia chống Pháp.
Pho tượng cổ còn lưu lại đến nay có giá trị về nghệ thuật là pho tượng A Di Đà, tượng Đạt Ma bằng đất nung, tượng Già Lam và bộ tượng Thập Điện Minh Vương bằng gỗ, hiện vẫn còn được lưu giữ trong chùa Hội Thọ. Họa ảnh lớn của Hòa thượng Minh Giác và 12 bài vị Tổ còn lưu lại tại Tổ đường chùa.
Đặc biệt, long vị của Hòa thượng Minh Giác cũng được tìm thấy tại chùa Hải Phước An Tự (huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng). Bài vị ghi “Sắc tứ Kim Chương tự, từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Châu, thượng Minh hạ Giác, đại lão Hòa thượng”.
Do chiến tranh, các pho tượng, bài vị phải chịu cảnh di dời, nhưng cùng với việc xây dựng chùa Hội Thọ, các bài vị Tổ vẫn còn được lưu giữ, không những tại chùa Hội Thọ, mà còn được đặt tại Hải Phước An Tự, ngôi chùa do một thanh niên kháng Pháp lập ra làm nơi chờ đợi thời cơ khởi nghĩa, đã cho thấy tính chất nhập thế của Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là của các chư tăng ở Nam Bộ.