TỔ CHỨC CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÓ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GÌ?

0
199

Trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, cách nay đã hơn hai ngàn năm, Phật giáo chỉ chính thức có hệ thống tổ chức từ thời nhà Trần (1225 – 1400). Từ thế kỷ XV cho đến đầu thế kỷ XX, đạo Phật tồn tại như một tín ngưỡng Phật giáo. Đến năm 1931, lần đầu tiên tổ chức Hội Phật giáo ra đời tại Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, mang tên Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội. Đến năm 1951, Phật giáo thống nhất sáu đoàn thể bao gồm tu sĩ và cư sĩ, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1952 do tình hình thực tế, Tổng hội Phật giáo Việt Nam không có thực quyền lãnh đạo đối với sáu tổ chức này nên không mang lại hiệu quả, vì vậy mà Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam đã được khai sinh một năm sau đó.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ công hòa ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nhưng sau đó cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn phải tiếp tục. Nhiều tổ chức đoàn thể cũng hưởng ứng phong trào kháng Pháp, trong đó có phong trào Phật giáo cứu quốc. Khi chiến tranh lắng dịu, tăng ni mong muốn có được một Hội Phật giáo Thống nhất. Sau Đại hội được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời vào năm 1958.

Việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến sự cáo chung của chế độ độc tài này vào năm 1963, đã có sự dự phần tham gia chống đối của đông đảo tăng ni Phật tử. Sau sự kiện này, giới Phật giáo miền Nam càng nhận thức rõ hơn vai trò của mình đối với xã hội. Một đại hội đã diễn ra tại chùa Xá Lợi, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1964.

Tuy nhiên, do tình hình chiến tranh, Phật giáo ba miền đã đứng chung vào một tổ chức duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đây là tổ chức duy nhất đại diện cho tăng ni Phật tử cả nước, thực hành phương châm “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu của giáo hội là thực hiện cho được tinh thần hòa hợp, truyền bá đạo pháp, thiết lập chương trình để đào tạo, bồi dưỡng tăng tài, củng cố và phát triển tình đồng đạo với Phật tử các nước.

Có thể thấy, tổ chức Phật giáo Việt Nam, suốt tiến trình lịch sử đã đồng hành cùng dân tộc. Tăng ni đã thể hiện được tinh thần nhập thế của Phật giáo. Trong những lúc đất nước bị xâm lược, tăng ni Phật tử đã đứng lên, cùng nhân dân tham gia phong trào kháng chiến. Sau khi hòa bình được lập lại, những người tham gia tổ chức giáo hội đã có nhiều cố gắng để phát huy tinh thần cứu khổ, ban vui… tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện góp phần đưa cuộc sống người dân bớt cơ cực, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người.