Xin cho biết về những bước phát triển của Phật Giáo trong lịch sử và trên thế giới.

0
249

Sau khi đã tìm ra được hệ thống giáo lý của mình, Thái tử Tất Đạt Đa thành đạo, mang tên Sakya Mouni, truyền giảng những quan niệm này cho năm người đầu tiên, gọi là năm anh em Kiều Trần Như. Dần dần, đường hướng ấy thu hút nhiều người đi theo và cùng với Đức Phật phổ truyền khắp nơi ở Ấn Độ, miền Bắc cũng như miền Nam Ấn.
Những người tu sĩ nam này cùng với đức Phật đi du tăng khất thực, đi đến từng vùng xa lạ truyền đạo, thời gian ở vài tháng và lại đi nơi khác. Số tăng đoàn ngày một đông, có tăng đoàn lên đến 500 người. Đến năm 544 trước công nguyên là năm đức Phật Thích Ca mất (tịch diệt, niết bàn), thọ 80 tuổi. Sau này, căn cứ vào đó mà người hậu thế định cho năm sinh của ngài là năm 624 trước công nguyên.
Việc phát triển Phật giáo ra ngoài Ấn Độ được mở đầu với việc du nhập của Phật giáo vào Sri Lanka. Cuộc tiếp xúc chính thức được bắt đầu từ phái đoàn do vua Asoka gửi tới vào năm 247 trước công nguyên. Vua nước Sri Lanka đã cho lập tu viện Phật giáo, trồng cây bồ đề mang từ Ấn Độ sang và dựng ngôi tháp chứa xá lợi của Phật.
Sau khi được truyền sang Sri Lanka, Phật giáo tiếp tục được truyền bá sang khu vực Đông Nam Á. Myanmar là quốc gia quan trọng trong khu vực đón nhận Phật giáo, từ sự truyền bá của hai nhà sư Ấn Độ là Sona và Uttara vào thế kỷ thứ III trước công nguyên.
Campuchia cũng đón nhận Phật giáo, từ thế kỷ thứ II, các cộng đồng theo Phật giáo Bắc tông đã được thiết lập. Cùng thời điểm này, Phật giáo cũng được truyền vào Thái Lan, Ba Tư, Việt Nam, với nhiều tông phái khác nhau.
Đến thế kỷ thứ IV Phật giáo được truyền vào Triều Tiên (Hàn Quốc). Sự truyền bá tại đây khá chậm chạp và cho đến năm 528 mới được nhìn nhận chính thức. Vào năm 552 Phật giáo cũng chính thức được thừa nhận ở Nhật Bản. Ở Indonesia, từ thế kỷ thứ VI tại đây đã có dấu ấn của Phật giáo Đại thừa.
Việc truyền bá Phật giáo sang các nước Trung Á buổi đầu theo con đường tơ lụa, từ Bắc Ấn Độ đi đến vùng đất Trung Á bao la. Chính nơi đây là điểm quan trọng đưa Phật giáo vào Trung Quốc (thế kỷ I), Mông Cổ (thế kỷ IV) và Tây Tạng (thế kỷ VII). Thế kỷ VII tại Nepal đã có khoảng 2.000 tỳ kheo sống trong các tu viện.
Việc truyền bá Phật giáo sang các nước ngoài Ấn Độ còn chịu ảnh hưởng từ những kinh sách được kết tập sau khi Phật tịch diệt, theo ngôn ngữ Sanscrit (Bắc Phạn) hay Pâli (Nam Phạn) và từ những bộ phái, tông phái được phân nhánh trong quá trình được truyền theo hướng Bắc hay hướng Nam của Ấn Độ mà đi sang các nước.