Làm Việc Thiện Không Đúng Dễ Tạo Nghiệp

0
177

Làm việc thiện mà không hiểu rõ đạo lý, cứ tự cho việc mình làm là thiện, nhưng thực ra lại là không tốt, ắt không khỏi tạo nghiệp, uổng phí mất tâm tư một cách vô ích…

Bàn luận rõ ràng về thiện

Nếu xét một cách tinh tường mà nói, thì thiện có chân có giả, có ngay thẳng có khuất khúc, có âm dương, có phải hay chẳng phải, có thiên lệch hay chính đáng, có đầy có vơi, có tiểu có đại, có dễ hay khó, đều cần bàn luận rõ ràng.

Làm việc thiện mà không hiểu rõ đạo lý, cứ tự cho việc mình làm là thiện, ắt không tránh khỏi việc tạo nghiệp, uổng phí mất tâm tư một cách vô ích.

Thế nào là chân thiện và giả thiện?

Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng (một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên) hỏi: “Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?”

Hoà thượng nói: “Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư“.

Nho sinh lại hỏi: “Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy?”

Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác.

Một người trong bọn nói: “Mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện“.

Hoà thượng nói: “Không nhất định là như vậy“.

Một người khác cho là: “Tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện“.

Hoà thượng cũng bảo: “Không nhất định là như vậy“.

Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy.

Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.

Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì có ích cho mình gọi là ác. Vì giúp ích cho người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì mang ích lợi đến cho mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.

Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi cho mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại nói thêm, việc thiện tự lòng phát ra là chân, đua đòi học theo là giả…

Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng”.

Thế nào là âm thiện, dương thiện?

Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức. Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Tuy nhiên, danh thơm thường là điều đáng húy kỵ vì xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt.

Cái lẽ âm dương như thế, phải để tâm nhiều mới hiểu hết.

Thế nào là phải và chẳng phải?

Nước Lỗ xưa có luật người Lỗ nào chuộc được người bị bắt làm kẻ hầu hạ ở nước khác về thì được quan phủ thưởng tiền. Tử Cống (học trò đức Khổng Tử tên là Tứ) chuộc người về mà không nhận tiền thưởng.

Đức Khổng nghe biết lấy làm buồn phiền mà bảo rằng: “Tứ làm việc thất sách rồi. Thánh nhân xử sự nhất cử nhất động có thể cải sửa phong tục thay đổi tập quán, làm gương mẫu cho bách tính noi theo, chẳng phải cứ nhiệm ý làm những việc thích hợp với riêng mình. Nay nước Lỗ người giàu thì ít người nghèo thì nhiều, nếu nhận thưởng cho là tham tiền là không liêm khiết còn không lãnh thưởng thì người nghèo sao có tiền tiếp tục chuộc người? Từ nay về sau chắc không ai chuộc người ở các nước chư hầu về nữa”.

Tử Lộ (tên Do, học trò đức Khổng) cứu người khỏi chết đuối, được tạ ân một con trâu, Tử Lộ nhận lãnh. Khổng Tử hay chuyện rất vui mà bảo rằng: “Từ nay về sau ở nước Lỗ sẽ có nhiều người lo cấp cứu kẻ chết đuối“.

Cứ lấy mắt thường tình mà xem, việc Tử Cống không nhận tiền bồi thường là cao quí, Tử Lộ nhận trâu là thấp hèn, nhưng Ðức Khổng Tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống.

Vậy nên biết người không nên chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà cần xét xem hành động đó có ảnh hưởng tệ hại gì về sau này không. Không nên bàn tới lợi ích nhất thời ở đời này mà phải nghĩ tới tương lai xa, mà cũng chẳng nên chỉ nghĩ riêng cho cá nhân mình mà phải nghĩ cho cả thiên hạ đại chúng nữa.

Việc làm hiện nay tuy bề ngoài là thiện nhưng trong tương lai lại di hại cho người, thì thiện mà thực chẳng phải thiện.

Còn việc làm hiện thời tuy chẳng phải thiện nhưng về sau nầy lại có lợi ích cứu giúp người thì tuy ngày nay chẳng phải thiện mà chính thực là thiện vậy. Ở đời có nhiều sự tình tương tự, chẳng hạn như tưởng là hợp lễ nghĩa, là có trung tín, từ tâm mà thực ra lại trái lễ nghĩa, không phải trung tín hay từ tâm, đều phải quyết đoán chọn lựa kỹ càng.

Thế nào là khó và dễ?

Đức Khổng Tử bàn về nhân ái nói bắt đầu từ chỗ khó mà thi hành trước, tức là từ chỗ phải thắng được lòng mình vậy, bởi lẽ khó mà làm được thì dễ ắt cũng làm xong.

Chẳng hạn như ở Giang Tây có ông già họ Thư làm nghề dạy học, nhân gặp một người nghèo thiếu tiền quan, vợ người ấy sắp bị quan bắt làm tôi tớ, ông liền bỏ số tiền nhập học của học trò mà ông đã dồn được trong hai năm ra chuộc, nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán.

Ông già họ Trương ở tỉnh Trực Lệ, nhân gặp một người bị nợ khốn, phải đem cầm vợ con. Ông liền bỏ số tiền mình để dành được trong 10 năm ra chuộc, nhờ đó vợ con người kia được an toàn.

Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi.

Lại như ông già họ Cận ở Trấn Giang tuổi đã cao, không có con nối dõi, lân gia có người đem đứa con gái còn trẻ đến nạp cho làm thiếp, nhưng ông không nhẫn tâm thu nạp mà đem hoàn trả lại. Đó là chỗ khó có thể nhẫn mà nhẫn được. Vậy nên phúc báo trời cho hưởng sẽ hậu.

Phàm những người có tiền tài, có quyền thế mà họ muốn làm phúc thì thực là dễ, dễ mà chẳng làm là tự hủy hoại mình. Người nghèo hèn khốn cùng muốn làm phúc thật là khó, khó nhưng mà làm được, đó mới thực là đáng quý vậy.