Vào một buổi hoàng hôn mùa thu vắng vẻ, trong khu đồng hoang bao la có một lữ khách dáng xiêu vẹo bước đi. Bỗng lữ khách phát hiện phía trước có đám vật màu trắng, nhìn kỹ thì ra là bộ xương người. Người lữ khách đang băn khoăn thì nghe có tiếng gầm gừ ghê rợn, ngẩng lên thấy một con hổ sừng sững phía trước. Lúc này người lữ khách chợt hiểu nguyên nhân của bộ xương, anh ta co cẳng bỏ chạy.
Vì không để ý phương hướng, lữ khách chạy đến một vách đá cheo leo dựng đứng, xem như đi vào ngõ cụt. Cũng may ở ngay vách đá có một cây tùng, từ nhánh cây thõng xuống một cái dây leo, lữ khách không do dự túm vội lấy sợi dây thoát chết trong gang tấc. Con hổ già bị mất miếng mồi kề tận miệng, nó tức tối gầm lên. Người lữ khách thầm cảm ơn, may có sợi dây mà mình thoát chết, tạm thời có thể an tâm.
Nhưng khi vừa nhìn xuống chân lữ khách bất giác kêu to một tiếng: phía dưới sóng cuộn mãnh liệt, hải vực sâu không thấy đáy! Trên những cơn sóng dữ cuồn cuộn lại có 3 con rồng hung dữ đang há to miệng chờ anh ta rơi xuống. Người lữ khách toàn thân run lên cầm cập! Nhưng khủng khiếp hơn là chỗ gốc dây leo xuất hiện hai con chuột già, một trắng một đen, chúng đang thay nhau gặm cái dây! Người lữ khách ra sức lắc cái dây để đuổi bọn chuột đi, nhưng cố thế nào cũng không được. Trong lúc người lữ khách lay động dây leo thì mật ong trong tổ ong trên nhành cây rơi xuống, lữ khách buột miệng liếm thử mật ong: “Ôi, thật ngây ngất!” Trong chốc lát lữ khách quên luôn tình cảnh kinh khủng của mình. Đây chính là toàn cảnh cuộc đời!
Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra hình ảnh người lữ khách xuẩn ngốc này là ám chỉ chân tướng cuộc đời chúng ta! Lữ khách: chỉ bản thân chúng ta. Đồng hoang: cảnh trống vắng vô tận ở đồng hoang chính là cuộc đời chúng ta. Hình ảnh chúng ta xuất hiện trên cuộc đời cũng giống như người lữ khách này. Đã là lữ khách cần biết nơi đến. Cũng có nghĩa là cần hiểu mục đích của chúng ta đến thế gian này là gì? Nếu chúng ta không biết, chẳng phải cúng giống như người lữ khách ngốc nghếch này sao?
Hoàng hôn mùa thu: Ví với cảm giác cô quạnh của cuộc đời. Vì sao cuộc đời chúng ta lại cô quạnh như mùa thu? Vì chúng ta là lữ khách cô độc đến thế gian. Cho dù chúng ta có người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không thể thổ lộ chia sẻ hết lòng với nhau, cho dù là vợ chồng cũng không hẳn hiểu hết được lòng nhau. Sự hiu quạnh của cuộc đời có nguyên nhân từ sự cô độc của tâm hồn. Bạn có cảm thấy thế không?
Xương trắng: Chỉ cuộc đời chúng ta sẽ phải chứng kiến cái chết của người thân, bạn bè. Chắc hẳn chúng ta đã thấy rất nhiều xương trắng, chúng ta nghĩ gì, có cảm giác thế nào? Chẳng lẽ chúng ta không chút chú ý đến “con hổ vô thường” đang từ từ áp sát cuộc đời chúng ta?
Hổ già: Hổ già đói tấn công ví như cái chết ngày càng đến gần chúng ta. Mọi việc trên thế gian này là vô thường, bản thân chúng ta cũng không thể tránh khỏi cái chết. Vì cái chết chính là nỗi kinh hoàng nhất với chúng ta nên Phật Thích Ca Mâu Ni lấy hình ảnh con hổ già tấn công để ví von.
Là người lữ khách, chúng ta phải chiến đấu giữa bản năng sống và chết, khi có bệnh chúng ta đến bệnh viện, dùng thuốc để vật lộn với cái chết. Nhưng dù thế nào cũng không thể vượt qua được, chúng ra sẽ thất bại và phải chết. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta nhiều khi quên mất cái chết, thoát khỏi cái chết, nhưng cái chết chắc chắn sẽ đến. Vì thế trong tâm thái này không thể giải quyết được vấn đề cái chết.
Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch