Phàm Tâm Không Bỏ, Sao Có Thể Thành Phật?

0
170

Vào triều Thanh (từ năm 1644 đến 1912) tại tỉnh Phúc Kiến có một người tên là Đỗ Cảnh Hành. Ông ta là một cư sỹ Phật giáo sùng đạo, và biểu hiện rất mực thành tâm. Ông ta ăn chay hằng ngày và không uống rượu. Ông ta cũng thường khoe khoang về việc đắc Đạo và chẳng bao lâu nữa sẽ thăng Thiên. Ông ta lại còn trịnh trọng dặn dò người nhà hãy giữ gìn thân thể tịnh khiết, tĩnh tâm chờ đợi sự kiện xảy ra. Người nhà ông ta đều bấm bụng cười thầm mà đáp ứng yêu cầu đó.

Một ngày nọ, Đỗ Cảnh Hành nằm nghỉ trưa thì ngủ thiếp đi, rồi lạc vào một giấc mơ cực kỳ rõ ràng minh bạch sau khi tỉnh dậy. Trong mộng, Đỗ Cảnh Hành đi tới một nơi giống như chỗ ở của Thần tiên. Có vài người ở đó, và khi trông thấy ông ta, họ đứng dậy nghênh tiếp. Họ mời ông ta ngồi xuống và bảo ông ta  đọc một quyển sách.

Khi Đỗ Cảnh Hành nhận thấy nội dung cuốn sách ấy chỉ trích Phật giáo, ông ta trở nên khó chịu và muốn rời đi. Mọi người bèn nói: “Người mà hiểu rõ đạo lý trong sách ấy sẽ sớm đến để thuyết giải cho ông, hà tất phải bỏ đi như thế?”. Bỗng có một cô gái xinh đẹp khả ái đi tới, cười nói: “Tôi đến để giải thích ý nghĩa của quyển sách này, sao người không ở lại thêm một lát?”.

Nói xong nàng ngồi xuống bên cạnh Đỗ Cảnh Hành, tựa vào ông ta, lại vừa cầm tay ông ta cùng lật xem quyển sách. Lúc đó Đỗ Cảnh Hành thần hồn điên đảo, tất cả tâm tư dồn hết lên người mỹ nhân kia. Chỉ e sợ mạo phạm đến nàng ta. Do đó, mặc kệ mỹ nhân nói gì, dù là phê phán chê bai Phật giáo, Đỗ Cảnh Hành cũng chẳng dám nói gì. Lúc này, đột nhiên nghe thấy mọi người cười lớn: “Ngươi phàm tâm chưa bỏ, sao có thể thành Phật được?”. Đỗ Cảnh Hành chợt bừng tỉnh giấc, lúc đó mới biết là vừa mới nằm mơ.

Từ đó về sau ông ta hiểu ra rằng mình còn cách xa cực kỳ xa mới với tới việc Đạo thành Chính quả, cảm thấy vô cùng xấu hổ. Ông ta không bao giờ khoác lác chuyện Tu thành đắc Đạo nữa.

(Nguồn: Huỳnh song dị thảo)