Dùng Đức Thu Phục Nhân Tâm

0
169

Vào cuối thời Đông Hán, đất Trung Hoa bị chia làm 3 nước: Ngụy, Thục và Ngô. Vua nước Thục là Lưu Bị trước lúc băng hà đã để lại di chúc căn dặn Thừa tướng Gia Cát Lượng phải đánh chiếm miền Bắc và phục hưng nước Hán.

Vào lúc ấy, thống lĩnh của quân miền Nam là Mạnh Hoạch đem đại binh xâm lấn nước Thục. Gia Cát Lượng lập tức điểm quân đi đánh giặc.

Khi quân đội tiến vào lãnh thổ phía Nam và giao chiến với đạo quân của Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng dùng mưu giả thua bỏ chạy. Mạnh Hoạch dẫn quân đuổi theo, kết quả rơi vào mai phục của Gia Cát Lượng. Quân miền Nam bại trận bỏ chạy tứ tán, Mạnh Hoạch bị bắt sống.

Mạnh Hoạch bị áp giải đến đại bản doanh của Gia Cát Lượng. Ông ta nghĩ thầm: Lần này ta chết chắc rồi. Nhưng ngạc nhiên thay, Gia Cát Lượng lệnh cho lính cởi trói và ân cần khuyên bảo ông đầu hàng. Mạnh Hoạch không chịu, nói:“Thắng bại là chuyện thường của binh gia. Ta đã không cẩn thận trúng kế của ngươi, như thế làm sao tâm phục được?”.

Gia Cát Lượng không ép buộc ông ta. Thay vào đó lại cùng với Mạnh Hoạch cưỡi ngựa vòng quanh các trại lính của mình. Ông hỏi Mạnh Hoạch: “Ông xem quân đội của ta thế nào?”. Mạnh Hoạch kiêu ngạo trả lời: “Trước kia ta không biết rõ các ngươi, cho nên thất bại. Hôm nay ngươi để cho ta nhìn thấy trận thế của các ngươi, ta xem bất quá cũng chỉ là như thế thôi. Trận thế như vậy, muốn đánh doanh trại các ngươi cũng không khó gì”. Gia Cát Lượng cười sang sảng nói:“Vậy hãy mau mau trở về và chuẩn bị cho tốt, lần sau chúng ta sẽ đánh lại vậy”.

Sau khi được thả, Mạnh Hoạch chuẩn bị quân đội và lần nữa đánh nhau với quân Thục. Nhưng ông ta là người hữu dũng vô mưu, làm sao sánh nổi với Gia Cát Lượng. Một lần nữa ông ta lại bị bắt. Tuy vậy, Mạnh Hoạch vẫn không chịu đầu hàng. Gia Cát Lượng lại thả ông ta ra.

Quan binh nước Thục đều không hiểu gì cả. Sao lại có thể thả kẻ thù ra dễ dàng như vậy được? Gia Cát Lượng tự đã có chủ ý: “Nếu muốn biên giới phía Nam nước Thục được thái bình dài lâu, thì lấy Đức thu phục mới có thể thật sự làm cho người ta tâm phục. Nếu dùng vũ lực mà áp chế thì tương lai lại dễ sinh chuyện”. Quan lại thảy đều khâm phục tầm nhìn của ông.

Khi Mạnh Hoạch trở về, người em trai là Mạnh Ưu hiến kế cho anh. Lúc nửa đêm, Mạnh Ưu cầm một đạo quân đến doanh trại quân Hán và giả vờ đầu hàng. Mặc dù biết rõ ý đồ của ông ta từ đầu, Gia Cát Lượng vẫn thưởng cho binh lính của ông ta rất nhiều rượu ngon. Kết quả là, quân của Mạnh Ưu đều uống say bí tỉ cả. Lúc đó, Mạnh Hoạch theo kế hoạch cầm quân tới đánh nhưng không ngờ lại tự chui vào lưới. Lại bị bắt. Nhưng ông ta nhất định vẫn không chịu phục. Gia Cát Lượng lần thứ 3 thả hổ về rừng.

Trở về đại bản doanh, Mạnh Hoạch lập tức chỉnh đốn quân đội, chờ thời cơ phát binh. Một ngày đột nhiên có thám tử về báo:“Gia Cát Lượng đang một mình đi quan sát trận tiền”. Mạnh Hoạch rất mừng rỡ lập tức dẫn người đi bắt Gia Cát Lượng. Không ngờ lần này lại trúng kế và bị bắt lần thứ tư. Biết Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu tâm phục, Gia Cát Lượng lại thả ông ta ra.

Một viên đại tướng dưới trướng Mạnh Hoạch là Dương Phong, vốn đi theo Mạnh Hoạch, trải qua mấy lần bị bắt mấy lần được thả, trong lòng mười phần khâm phục tài trí và lòng độ lượng của Gia Cát Khổng Minh. Để trả ơn, ông ta và vợ mình chuốc rượu Mạnh Hoạch cho say và bắt trói dẫn đến doanh trại quân Hán. Mạnh Hoạch bị bắt lần thứ 5 nhưng vẫn không chịu phục và bảo rằng đó là vì ông ta bị tiểu nhân phản bội. Gia Cát Lượng thế là lại thả ông ta ra lần thứ 5, bảo ông ta lại chuẩn bị đánh nữa.

Lần ấy trở về, Mạnh Hoạch không dám tự ý, bèn nhập quân với Mộc Lộc đại vương. Doanh trại của tướng Mộc Lộc cực kỳ biệt lập. Gia Cát Lượng cầm quân, vượt nhiều khó khăn mới đến được đó. Tuy nhiên, quân miền Nam dùng dã thú để tham chiến. Kết quả là quân Hán bại trận. Trở về doanh, Gia Cát Lượng tạo ra những con thú giả to lớn hơn đám thú thật kia nhiều lần. Khi tái chiến với quân của tướng Mộc Lộc, bầy thú thật sợ hãi khi trông thấy những con thú giả, không dám tham chiến nữa. Lần ấy quân Hán thắng trận và Mạnh Hoạch lại bị bắt. Mặc dù Mạnh Hoạch vẫn không chịu phục, nhưng lần này không có gì để biện hộ nữa. Gia Cát Lượng vẫn thả ông ta về.

Mạnh Hoạch vừa được thả ra, đã lại nhập bọn với nước Ô Qua. Vua nước Ô Qua là Ngột Đột Cốt có một quân đội hùng mạnh thiện chiến. Đội quân này được trang bị bộ giáp nhẹ mà đao thương bất nhập, gọi là “Đằng giáp quân”. Gia Cát Lượng sớm đã có chuẩn bị rồi, vì thế lần này dùng hỏa công đánh bại Đằng giáp quân của nước Ô Qua. Mạnh Hoạch bị bắt lần thứ 7, quỳ trước trướng. Gia Cát Lượng lệnh cởi trói cho ông ta, sai người đem thả tại trướng khác và thết đãi ông ta cùng thuộc hạ tại đó.

Mạnh Hoạch đang ăn uống cùng huynh đệ và thê tử thì một người vào trướng báo với ông ta: “Thừa tướng xấu hổ, không dám gặp Ngài. Thừa tướng đặc biệt lệnh cho tôi thả Ngài trở về chiêu mộ nhân mã để quyết phân thắng bại. Bây giờ Ngài có thể trở về”.

Mạnh Hoạch rơi nước mắt mà nói: “Chưa từng thấy ai bị bắt 7 lần đều được thả cả 7 lần. Dù là người nước nhỏ, nhưng tôi cũng biết chút ít lễ nghĩa. Làm sao tôi có thể vô liêm sỷ như thế được?”. Vì vậy lệnh cho thuộc hạ thảy cùng quỳ dưới trướng, nói lời tạ lỗi: “Thừa tướng có uy của Trời. Chúng tôi sẽ không trở lại nữa!”. Gia Cát Lượng mời Mạnh Hoạch dự đại yến tiệc. Ông trả tất cả những vùng đất chinh phạt được cho Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch và thuộc tướng đều rất biết ơn và vui vẻ đi về. Mạnh Hoạch trở về còn thuyết phục các bộ lạc khác toàn bộ cùng đầu hàng hết.

Chúng tướng hỏi Gia Cát Lượng: “Giờ đây ta đã chinh phạt được miền Nam. Ta có nên gửi quan binh đến đó để cai trị không?”.

Gia Cát Lượng nói: “Nếu ta phái quan lại tới thì cũng phải để lại binh sỹ. Đó không chỉ là lãng phí nhân lực, quân lương, mà trọng yếu là dễ khiến lòng người không tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta để các bộ lạc tự mình quản lý, người Hán và các bộ lạc đều bình an vô sự, chẳng phải là rất tốt sao?”. Mọi người đều cho rằng phải.

Gia Cát Lượng khao quân xong, chuẩn bị trở về nước Thục. Mạnh Hoạch dẫn toàn bộ thuộc tướng và thủ lĩnh các bộ tộc đi hộ tống ông suốt chặng đường về Vĩnh Xương. Gia Cát Lượng dặn dò Mạnh Hoạch cần phải chăm lo cho dân chúng, chớ để lỡ mất vụ mùa, nói xong trở về, bọn người Mạnh Hoạch khóc mà bái biệt. Suốt đường về, Gia Cát Lượng đem hạt giống và nông cụ tặng cho nông dân. Người dân miền Nam hết sức biết ơn. Họ xây đền thờ ông, bốn mùa thờ cúng, tôn kính ông như người cha nhân từ. Họ cũng cung cấp thuốc men, canh ngưu chiến mã, cùng các đồ quân dụng.

Nhiều năm sau, Gia Cát Lượng qua đời. Vua nước Tấn là Tấn Vũ Đế, Tư Mã Viêm, thống nhất tam quốc, đem chủ nước Thục là Lưu Thiện đến thành Lạc Dương. Mạnh Hoạch vẫn cảm ân đức của Gia Cát Lượng, cho nên mỗi năm vào ngày lập hạ đều dẫn thân binh hộ vệ đến trước thành Lạc Dương để được nhìn thấy Lưu Thiện. Mạnh Hoạch cũng khẩn cầu Đế vương đối đãi tốt với Lưu Thiện và người dân nước Thục, khiến Tấn Vũ Đế hết sức cảm động.

Gia Cát Lượng bằng trí tuệ và đức nhẫn nại phi thường đối với Mạnh Hoạch 7 lần bắt 7 lần thả, cuối cùng khiến cho ông ta tâm phục khẩu phục. Bởi vậy có thể thấy được, từ cổ chí kim các bậc Đại trí đều lấy Đức mà thu phục người khác. Người ta phải là người nhân từ trước khi làm nên việc gì. Đó cũng là nguyên tắc chung cho những người quan viên, trước tiên phải kiến lập Uy đức; trị quốc an dân thì phải có chính tâm chính khí, phụng sự việc công không một chút tư tâm, như vậy mới có thể khiến nhân tâm quy phục, thiên hạ thái bình. Kẻ dùng bạo lực nhất thời có thể trấn áp người ta, nhưng không thể tồn tại lâu dài, khiến thế nhân cuối cùng sinh tâm oán giận, nhất định sẽ bị lịch sử đào thải.