Khuyên Can Thẳng Thắn, Trọng Nghĩa Báo Ân

0
186

Lý Đại Lượng, là người Kinh Triệu, Kính Dương dưới thời Đường. Tính ông trung thành cẩn thận, bề ngoài dường như không giỏi ăn nói, nhưng nội tâm lại cương nghị, trước mặt Hoàng đế có thể mạo phạm can ngăn, có thái độ không né tránh khuất phục, là người vô cùng trọng đạo nghĩa, chịu ơn ai thì đều báo đáp.

Lý Đại Lượng thân là bề tôi, không ngại vinh nhục của bản thân, thường xuyên khuyên can thẳng thắn, rất nhiều lời kiến nghị ích nước lợi dân đều được Đường Thái Tông chấp thuận. Lý Đại Lượng nguyên trước đây nhậm chức đô đốc Việt Châu, những năm đầu thời Trinh Quán được triệu nhập triều đình nhậm chức Thái phủ khanh, lại ra ngoài nhậm chức đô đốc Lương Châu. Có một viên quan thấy một con chim ưng rất tốt, dẻo miệng khuyên Lý Đại Lượng dâng cho Hoàng thượng. Lý Đại Lượng bí mật dâng sớ nói rằng: “Bệ hạ đã không còn đi săn từ rất lâu rồi, lại có sứ giả tìm cầu chim ưng. Nếu thật sự đó là ý của bệ hạ, thì đó là làm trái với luật lệ trước đây. Còn nếu là sứ giả tự tiện sưu tầm, thì chính là Hoàng thượng đã dùng sai người”.

Thái Tông viết thư trả lời rằng: “Có bề tôi như khanh, Trẫm còn gì lo lắng nữa! Cổ nhân cho rằng một lời nặng tựa ngàn cân, hôm nay thưởng cho khanh một chiếc bình của người Hồ, mặc dù không đáng giá ngàn vàng, nhưng ấy là vật mà đích thân Trẫm thường dùng hàng ngày“. Lại thưởng thêm cuốn “Hán kỷ” (Lịch sử nước Hán) cho ông.

Lý Đại Lượng là người Đức hạnh, vô cùng trọng đạo nghĩa. Ông phụng dưỡng anh trai và chị dâu hết sức chu đáo, xa gần đều biết tiếng. Gặp những người trong họ qua đời mà không ai mai táng, Lý Đại Lượng đều lấy tiền của mình mà lo liệu hậu sự cho họ. Triều đình ban thưởng nô tỳ, tất cả ông đều nhường cho thân thích. Mặc dù địa vị cao thanh danh lớn, nhưng ông hết sức giản dị tiết kiệm, nhà cửa của ông đơn giản nhỏ bé, không có vàng bạc bảo vật gì cả.

Lý Đại Lượng lúc trước đánh bại Phụ Công Thạch, bởi lập được chiến công nên được thưởng 100 nô tỳ. Lý Đại Lượng nói với họ: “Các người đều là con gái của các Sỹ đại phu, chẳng may gia đình lụn bại mà phải lưu vong. Ta làm sao nhẫn tâm ghi tên các người vào sổ sách như nô tỳ được đây?”. Ông trả tự do cho tất cả bọn họ. Đường Cao Tổ nghe chuyện, vô cùng khen ngợi ông.

Người khác có ơn với mình thì nhớ kỹ không quên, tìm mọi cách báo đáp họ, đây gọi là “Tri ân tất báo”. Lý Đại Lượng là một người như thế. Trương Bật từng cứu mạng ông, Lý Đại Lượng sau này phú quý, trong lòng luôn ghi nhớ chờ cơ hội đền ơn. Trương Bật cũng là người có Đức hạnh, cứu giúp người khác không hề mong cầu được báo đáp. Lúc ấy Trương Bật đang nhậm chức Tương tác thừa, khi biết Lý Đại Lượng muốn tìm mình để báo ân, thì ông né tránh không gặp Lý Đại Lượng.

Lý Đại Lượng tìm Trương Bật khắp xung quanh không thấy. Một ngày, Trương Bật bèn ra ngoài đường để cho Lý Đại Lượng gặp mặt. Lý Đại Lượng giữ chặt lấy Trương Bật mà khóc, thành tâm muốn tặng toàn bộ gia tài cho ông, nhưng Trương Bật kiên trì không tiếp nhận. Lý Đại Lượng lại tâu với Hoàng đế rằng, mình có được ngày hôm nay tất cả là nhờ ở công lao của Trương Bật, hy vọng Hoàng đế hãy lấy toàn bộ quan tước của mình ban cho Trương Bật. Vì thế, Hoàng đế thăng chức cho Trương Bật làm Trung lang tướng, đô đốc Đại Châu.

Người thời đó đều ca tụng Lý Đại Lượng “Tri ân tất báo”, đồng thời cũng tán dương Trương Bật khiêm nhường.