Khéo Dùng Ngòi Bút Để Cứu Người

0
162

Vương Sinh là người Dương Châu, từ bé đã mồ côi cha, gia cảnh bần hàn, hành nghề viết tố trạng kiếm tiền phụng dưỡng mẹ. Năm 20 tuổi, anh vượt qua được kỳ thi sơ khảo, nhưng mùa hè năm đó trượt hết một loạt mấy kỳ thi trung khảo.

Vào đêm giao thừa, anh ta nằm mộng thấy có 2 người mặc đồ xanh đến dẫn đi, đến một tòa dinh thự cực kỳ to lớn và tráng lệ. Tại chánh đường là một vị Đế quân đang ngồi, hai bên có hai vị quan mặc áo hồng, tay cầm bản giấy dài, Đế quân dùng bút điểm duyệt. Xong, cho gọi Vương Sinh vào tiến kiến.

Vương Sinh vào điện, quỳ dưới đất, thấy Đế quân sắc mặt mười phần nghiêm nghị. Đế quân quẳng một quyển sách cho anh ta đọc. Vương Sinh thấy cuốn sách ghi tên mình, nói rằng anh sẽ qua được kỳ thi triều đình, còn được làm việc trong Viện Hàn Lâm, làm quan đến Tổng đốc. Nhưng bởi anh viết tố trạng gian lận gây tội nghiệt, tất cả đã bị tước bỏ hầu như không còn gì.

Sau khi anh ta đọc xong, Đế quân đập bàn hỏi: “Thấy rõ hết chưa?”. Vương Sinh khấu đầu tạ tội, Đế quân nói: “Niệm tình ngươi phụng dưỡng mẫu thân hiếu thuận, nếu lập tức sửa đổi, còn có thể hoàn trả công danh của ngươi. Nếu như làm ác không sửa, sẽ truy tác tính mệnh của ngươi!”. Nói rồi lệnh cho người áo xanh đưa Vương Sinh trở ra ngoài.

Người áo xanh nói với Vương Sinh: “Vừa rồi Đế quân điểm duyệt chính là về kỳ thi triều đình mùa thu năm sau. Nếu ngươi sửa đổi hành thiện, thì lại có thể có tên nhất bảng. Chớ quên Đế quân đã khổ tâm giáo huấn!”. Nói xong đưa tay đẩy Vương Sinh một cái, anh ta lập tức tỉnh dậy.

Vương Sinh hồi tưởng lại tình cảnh trong mộng, rõ ràng từng chi tiết. Nghĩ đến sửa đổi, thấy gia cảnh bần hàn, không có lực lượng mà làm việc thiện, nếu bỏ nghề đao bút tả trạng để sinh nhai, thì dùng cái gì kiếm tiền mà sống. Trầm tư suy nghĩ suốt đêm, anh ta giật mình tỉnh ngộ: đao bút có thể giết người, chẳng lẽ lại không dùng cứu người được sao? Dùng chính đạo lý này nhưng làm ngược lại, nhất định sẽ được Thần linh chứng giám.

Từ đó trở đi, mỗi lần gặp người đến tranh tụng, anh đều dùng hết biện pháp khuyên bảo hòa giải. Những ai không có đạo lý mà muốn tranh tụng, anh đều nói lý lẽ rõ ràng, khuyên họ từ bỏ ý định đi. Đối với những ai có lý nhưng không có khả năng tự mình nói rõ ra, anh mới sử dụng văn tài của mình vì họ mà viết tố trạng, hơn nữa còn dốc toàn lực trợ giúp.

Như thế gần một năm, anh thi đỗ đầu kỳ thi trung khảo, mỗi tháng được quan phủ hỗ trợ tiền của theo định ngạch, cho nên anh càng nỗ lực hành thiện.

Gần nhà Vương Sinh có một góa phụ trẻ, có mang với người chồng mới chết. Người trong tộc vu hãm cô không trinh tiết, cáo quan bảo rằng đứa con trong bụng cô không phải là cốt nhục của nhà ấy, làm loạn tông tộc huyết mạch, cầu quan phủ phán cô “đại quy” (buộc cô trở về nhà mẹ đẻ, không cho kế thừa sản nghiệp). Nhà mẹ đẻ của cô sợ hãi, không dám nói câu nào. Cô bị đại oan, không cách gì biện bạch, cả ngày khóc mãi, một lòng muốn tìm lấy cái chết.

Có người hàng xóm biết chuyện, lại nói với Vương Sinh. Vương Sinh điều tra, biết thiếu phụ kia thật sự là người trinh khiết, nên tới nhà mẹ cô, viết cho một tờ tố trạng, bảo mẹ cô mang đến cáo tố quan phủ. Người em trai của thiếu phụ rất không sẵn lòng làm việc này, Vương Sinh dùng đạo nghĩa khích lệ, bọn họ hết sức cảm động, vì vậy đồng ý.

Đồng thời Vương Sinh cũng triệu tập các bạn đồng học cùng những vị cao tuổi có đức vọng uy tín, bảo mọi người rằng tri huyện sẽ đến văn miếu tuyên giảng Thánh dụ vào ngày đầu tháng, và đề nghị mọi người sẽ giúp mang vụ án người góa phụ ra công khai đề xuất. Có người cho rằng, việc như thế không liên quan đến họ, không muốn ra mặt, Vương Sinh nói: “Bảo hộ danh tiết, duy hộ cô nhi, việc này có quan hệ tới nhân nghĩa đại sự, đều là việc những người đọc sách hiểu lý tự nhiên nên làm, tuyệt không phải là vì tư lợi mà tố tụng, không thể xem việc này cũng ngang hàng với những việc phạm pháp. Nếu quả bị trách tội, một mình tôi gánh chịu”. Mọi người đều rất tán thưởng một lòng đại nghĩa của anh, cho nên nguyện ý ủng hộ.

Đến ngày đầu tháng, Tri huyện đến văn miếu học xá, mọi người trình lên tố trạng xin duyệt lãm. Tri huyện rất sáng suốt, xem xong nói: “Đây là vấn đề về danh tiết. Xin mời mọi người nơi đây chăm chú điều tra nghiên cứu liễu giải thật hư, nếu như thực sự là người nhà chồng vu hãm, nhất định sẽ theo luật trừng trị nghiêm khắc. Nhưng các vị điều tra nhất định phải xác thực, nếu không tự phải gánh tội đó”. Vương Sinh hết sức tường thuật người trong họ tộc vu cáo thế nào, ngôn từ cương trực, lý lẽ phân minh. Tri huyện thấy anh ngôn từ chính trực, chỉ nói vài câu khen ngợi rồi để anh về.

Vài hôm sau, lên công đường xét hỏi, người nhà chồng đều bị hỏi đến mức lý khuất từ cùng, thừa nhận vu cáo. Thiếu phụ là thực sự bị oan, vụ án kết thúc. Thiếu phụ thúc nhà mẹ đẻ lấy nhiều vàng bạc đáp tạ Vương Sinh, nhưng anh không nhận. Bọn họ kiên trì muốn tặng, Vương Sinh bực mình nói: “Các vị cho rằng tôi làm việc này vì tiền sao?”. Anh rất kiên quyết, nghiêm khắc cự tuyệt, người nhà thiếu phụ xấu hổ rời đi.

Giao thừa năm đó, Vương Sinh lại nằm mộng thấy hai vị sứ giả áo xanh tới triệu anh đi, đến nơi trước kia từng mộng đến, gặp lại vị Đế quân. Đế quân nói: “Ta rất hài lòng ngươi sửa sai cực nhanh, đã trả lại khoa danh cho ngươi. Nguyên là ngươi sẽ đỗ kỳ thi năm sau, nhưng vì ngươi đã bảo vệ danh tiết và cuộc sống cho góa phụ và cô nhi, thiện hành làm cảm động Thượng Thiên, năm nay đã có thể đỗ rồi. Ngươi nên hết sức hành thiện tích đức, không nên buông lỏng, tiền đồ to lớn không thể hạn lượng!”. Vương Sinh khấu tạ.

Đế quân lệnh cho người đưa Vương Sinh trở về. Tại ngoài cửa lớn gặp hai già một trẻ, tại bên đường quỳ lạy anh ta. Vương Sinh không biết bọn họ là ai, thấy bọn họ bái lạy mình, bèn lạy ngược lại bọn họ. Bọn họ quỳ trên mặt đất khấu đầu nói: “Nhờ ơn của ân sư mà hậu nhân của tôi được bảo toàn, kế thừa hương hỏa, còn bảo vệ được điền sản nhà tôi. Cha con cháu chúng tôi xấu hổ không có cách gì hồi báo. Vừa rồi nghe Đế quân triệu mời Ngài, cho nên chúng tôi ở chỗ này chờ đợi!”. Vương Sinh hiểu ra, bọn họ chính là cha chồng và chồng của người quả phụ, bèn dìu bọn họ đứng cả dậy.

Ông già chỉ thiếu niên nói:“Đứa con này của tôi đã thọ đại ân của Đế quân. Tôi biết Ngài chưa có con, tôi muốn đi thỉnh cầu minh ti cho nó được đầu thai làm con của Ngài để báo đáp”. Vương Sinh khiêm nhường, tỏ ý cảm tạ, rồi chia tay.

Vương Sinh tỉnh lại bèn kể toàn bộ mọi sự cho mẫu thân và thê tử. Từ đó trở về sau, dốc toàn lực hành thiện. Năm ấy ông đỗ Giải nguyên (đỗ đầu), được vào Hàn Lâm Viện, làm quan tới Đại trung thừa (Tuần phủ).

Cũng trong năm ấy, sinh được một người con trai, trong mộng nhìn thấy chính là người thiếu niên ấy đầu thai. Người con này về sau cũng đỗ đầu khoa bảng, làm đại quan.

Đao bút cứu người, nhưng rất nhiều người không biết rằng việc ấy có thể cứu được người ta. Trên thế gian này, ngoài ngòi bút ra, còn có nhiều cách có thể dùng để cứu người. Nếu một người cứu được nhiều người hơn, anh ta sẽ mang tương lai tốt đẹp đến với bản thân mình. Điều đó hoàn toàn chính đáng. Trên thực tế, mọi người, bất kể là ở giai tầng xã hội, nghề nghiệp hay hoàn cảnh, môi trường nào cũng đều có thể làm một người tốt, làm điều chính nghĩa. Giúp đỡ những ai cần sự giúp đỡ, sử dụng tài nguyên một cách thông minh, bảo vệ công lý và lẽ phải là những việc tốt mà ai cũng có thể làm.